Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 16/03/2022Hiện nay, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình có 2 tôn giáo đang hoạt động là Công giáo và Phật giáo với 15.215 tín đồ, chiếm 24,9% dân số toàn huyện. Những năm qua, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định, các tổ chức tôn giáo tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện Lạc Thủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về tín ngưỡng, tôn giáo một cách đồng bộ, kịp thời. Các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân trên địa bàn.
UBND huyện cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn quản lý trong các dịp lễ hội; chỉ đạo quản lý, chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng, đồng thời tạo điều kiện và giải quyết cơ bản các đề nghị, kiến nghị, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, như tổ chức các ngày lễ trọng tôn giáo lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Giáng sinh của Công giáo; thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt các chức sắc, nhà tu hành nhân dịp lễ trọng.
Trực tiếp quản lý 10/13 cơ sở tín ngưỡng, UBND xã Phú Nghĩa tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể quan tâm và phối hợp, hướng dẫn nhân dân tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện tốt quy định của pháp luật. Theo ông Màu Đăng Ưng, Phó Chủ tịch UBND xã, hàng năm diễn ra một số hoạt động lễ hội tại cơ sở tín ngưỡng, như lễ hội đình Thượng vào ngày 8 - 10/11 âm lịch, lễ hội đình Đồi Quán vào ngày 9 - 10 tháng Giêng, lớn nhất là lễ hội chùa Tiên, kéo dài từ mồng 4 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên 2 năm 2021 - 2022, các cơ sở tín ngưỡng này không tổ chức mở hội mà chỉ tổ chức nội bộ.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19, cấp uỷ, chính quyền đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các chức sắc tôn giáo tổ chức hoạt động tôn giáo dưới hình thức đơn giản, không tổ chức nghi lễ đông người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được khuyến cáo. Công tác nắm tình hình, đấu tranh với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật được tăng cường. Cấp uỷ, chính quyền cũng thường xuyên gặp mặt, thăm hỏi các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, các tín đồ tôn giáo. Đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị của đất nước, địa phương, các ngày lễ trọng tôn giáo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, giá trị đạo đức dân tộc, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, huyện chú trọng công tác tập huấn, triển khai các văn bản liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức tôn giáo chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính quyền các cấp. Hoạt động nghi lễ tôn giáo dưới hình thức đơn giản, tín đồ chủ yếu cầu nguyện tại nhà. Các chức sắc, chức việc thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo”, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương./.
Theo baohoabinh.com.vn