Gìn giữ lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số
Ngày đăng: 11/12/2020
Đồng bào Mường ở xã Cúc Phương (Nho Quan) tham gia sinh hoạt văn hóa tại các thôn, bản. Ảnh: Trường Giang
Ninh Bình là địa phương lưu giữ được nhiều lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc. Các lễ hội ở Ninh Bình trải dài các tháng trong năm, mỗi lễ hội có những đặc trưng riêng khiến người về dự hội luôn cảm nhận được không gian văn hóa riêng có của từng vùng, miền, địa phương… Đặc biệt, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã và đang được quan tâm bảo tồn nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Ninh Bình, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vừa tập trung, vừa xen kẽ chủ yếu ở các thôn, bản thuộc 8 xã của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp. Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số qua kiểm kê có 13 di sản chủ yếu của dân tộc Mường như: hát ru con, hát đúm, hát sắc bùa, văn hóa cồng chiêng… Trong đó, có 6 lễ hội truyền thống như: lễ xuống đồng, lễ hội đầu xuân… mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong nhiều giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân trong cộng đồng được các cấp, các ngành và ngành Văn hóa quan tâm. Các địa phương đã tạo điều kiện động viên, khích lệ các nghệ nhân truyền dạy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ kế cận. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 8 nghệ nhân dân tộc thiểu số tập trung tại các xã: Quảng Lạc, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long còn lưu giữ một số loại hình nghệ thuật như: rằng thường chảy mợi, hát mo Mường, hát bọ mẹng, hát Mường cổ, hát đúm, hát giao duyên. 

Các nghệ nhân đều tâm huyết và trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của địa phương, thường xuyên phối hợp với cộng đồng, gia đình và địa phương để truyền dạy cho thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường thông qua các hoạt động văn hóa, các đội văn nghệ, các câu lạc bộ… 

Tại các lễ hội, các nghệ nhân đã tham gia biểu diễn, cùng phối hợp biểu diễn các tiết mục văn hóa đặc sắc, làm phong phú thêm các hoạt động tại lễ hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách yêu thích nghệ thuật, văn hóa truyền thống. Có thể khẳng định, các nghệ nhân đã có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các lễ hội, là người hướng dẫn trực tiếp giới trẻ học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa phi vật thể. Qua đó góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Cùng với vai trò của các nghệ nhân, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Những năm qua, các địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng được 2 nhà sàn là không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào dân tộc Mường ở bản Xanh (xã Kỳ Phú) và thôn Đồng Trung (xã Quảng Lạc) từ nguông chương trình 134, 135; hỗ trợ xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn Đầm Rừng (xã Thạch Bình), bản Vóng (xã Kỳ Phú); sửa chữa và phục dựng lại một nhà sàn truyền thống của xã, đưa vào sử dụng, làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Nga II (xã Cúc Phương). 

Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhà văn hóa, 100% thôn, bản của 8 xã có nhà văn hóa- khu thể thao thôn để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tại các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Thông qua các lễ hội truyền thống, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại các thôn, bản.

 

Theo Báo Ninh Bình