Đà Nẵng dừng Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2021
Ngày đăng: 26/02/2021
Quang cảnh lễ chính của Lễ hội Quán Thế Âm năm 2019. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt-Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.

Chiều 25/02, UBND quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) đã có văn bản thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2021 để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiếp tục tạm dừng, không tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết.

Ủy ban Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đề nghị các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông người tham gia; đề nghị chùa Quán Thế Âm tạm ngừng tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng năm 2021 đồng thời thông báo rộng rãi đến các tổ chức, người dân được biết.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) còn có tên gọi khác là Lễ hội Quán Âm 19/2.

Lễ hội được tổ chức hằng năm tại chùa Quán Thế Âm (số 48 đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và các địa điểm liên quan khác tại di tích quốc gia đặc biệt-Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đây là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt-Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; theo Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021.

Hằng năm, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 17-19/2 âm lịch (tức là các ngày 29-31/3), trong đó ngày 19/2 là ngày lễ chính thức.

Lễ hội gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ là các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống của địa phương. Phần hội là những sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngoại trừ các sự kiện đặc biệt của từng năm, phần lớn các sự kiện thường niên tổ chức đan xen giữa phần lễ và phần hội./.

Nguồn: TTXVN