Bình Thuận: Đồng bào Raglai và K'ho đón Tết đầu lúa
Ngày đăng: 28/01/2021
Nhân dịp Tết đầu lúa, ngày 26/1, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã tổ chức các đoàn đến thăm và chúc Tết đồng bào Raglai, K’ho đang sinh sống tại 4 xã miền núi, vùng cao huyện Bắc Bình: Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền và Phan Tiến.

Tại các nơi đến thăm, đại diện lãnh đạo tỉnh đã chúc bà con đón Tết đầu lúa đầm ấm, vui tươi và sung túc. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn trong năm mới, cấp ủy, chính quyền và đồng bào tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vui Tết nhưng không quên nhiệm vụ, thi đua phát triển sản xuất, ổn định đời sống về mọi mặt.

Những ngày này, đồng bào dân tộc Raglai và K'ho sinh sống ở các xã miền núi của huyện Bắc Bình đang nô nức, hân hoan đón Tết đầu lúa. Khắp các thôn, xóm rộn ràng, phấn khởi trong niềm vui của một mùa lúa mới, nhất là năm nay cây bắp, cây lúa đều được mùa, được giá.

Tết đầu lúa (còn gọi là Tết Nhôbrêhê) là ngày Tết quan trọng, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, sinh động của cộng đồng người Raglai, K’ho đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trước đây, lúa rẫy (hay còn gọi là lúa mẹ) là nguồn lương thực chính của người Raglai, K’ho. Mỗi mùa lúa thường kéo dài 6 tháng và cứ mỗi lần thu hoạch, mang lúa về nhà, đồng bào lại tổ chức cúng lúa. Gắn với tập tục đó, Tết đầu lúa được duy trì cho tới tận ngày nay dù hiện còn rất ít người dân trồng lúa rẫy.

Tết đầu lúa gồm nhiều nghi thức truyền thống, như: lễ cúng hạt lúa mới để dâng lên thần linh, tổ tiên những hạt gạo tốt nhất; lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa… Theo các già làng, các nghi thức này nhằm thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ và niềm tin của bà con đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy, bệnh tật để cây lúa đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.

Để tạo sân chơi cho bà con trong dịp Tết đầu lúa; đồng thời, gắn kết tình đoàn kết, giao lưu, nhiều năm nay, huyện Bắc Bình tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các xã vùng cao luân phiên giữa 4 xã. Năm nay, trong 2 ngày 26 - 27/1 (nhằm ngày 14 - 15 tháng Chạp âm lịch), bà con tập trung về xã Phan Lâm để cắm trại và vui chơi. Ngoài các hoạt động giao lưu văn nghệ, ca múa hát, ngày hội còn diễn ra các trò chơi dân gian, như: thi gùi nước về làng, thi giã gạo, đi cà kheo… Đặc biệt, Đêm hội Tết đầu lúa là hoạt động vui nhộn và đặc sắc nhất trong ngày hội. Hòa trong tiếng trống, tiếng kèn các chàng trai, cô gái say sưa trong những điệu nhảy quanh lửa trại, tạo nên một đêm hội nhộn nhịp, rộn rã.

 

Theo dantocmiennui.vn