Vĩnh Phúc: Đưa Luật tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống
Ngày đăng: 26/11/2018Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống và được Nhà nước công nhận, cho phép hoạt động, tại một số địa phương đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tụ tập đông người tuyên truyền mê tín dị đoan, hoạt động mang màu sắc tôn giáo trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng tôn giáo gồm 9 chương, 8 mục và 68 điều, với nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Ở Vĩnh Phúc có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận, cho phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các điểm nhóm Tin Lành tự lập, một số nhóm hoạt động mang màu sắc tôn giáo, với gần 470 cơ sở thờ tự và hàng năm có 430 lễ hội các loại được tổ chức, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng tín đồ. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tôn giáo. Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ đã chủ động phối hợp các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường nắm tình hình sinh hoạt, hoạt động tôn giáo cũng như hướng dẫn thực hiện và giải quyết các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Tại các địa phương đã hình thành 13 mô hình tự quản về an ninh trật tự trong vùng đồng bào Công giáo và 2 mô hình "5 quản, 3 phòng, 3 bảo vệ" về an ninh trật tự trong Phật giáo. Nhờ đó, các các tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước và luôn đồng hành cùng các cấp, các ngành để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", ‘Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Với nhiều điểm mới và tiến bộ so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện rõ ý nghĩa, tính nhân văn khi Luật mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người phù hợp tinh thần Hiến pháp 2013. Cùng với đó, Luật dành một chương (Chương II) để quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện và khẳng định nhất quán chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Nói như Trưởng ban Ban Tôn giáo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Quang tại hội nghị giới thiệu, triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức cuối tháng 10/2018 thì đây là bước ngoặt lớn trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà Đảng, Nhà nước đang thực thi để hiện thực hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm quyền con người và đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. “Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật này để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo thực hiện sinh hoạt, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh”- ông Nguyễn Thanh Quang khẳng định./.
Nguồn: vinhphuc.gov.vn