Thực tiễn công tác dân vận khéo tại Ban Tôn giáo Lâm Đồng
Ngày đăng: 11/06/2020
1. Lý luận, quan điểm về công tác dân vận khéo

Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, với bút danh X.Y.Z. Bài viết chỉ 612 chữ nhưng với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.

Mở đầu bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên bản chất nhà nước, cơ sở, tiền đề của công tác dân vận. Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân: "Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Tiếp đó, Bác đặt ra các câu hỏi và lý giải một cách rõ ràng: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận thế nào?

Nếu hiểu dân vận là công tác vận động quần chúng thì chưa hoàn toàn chính xác. Bác giải thích: "Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho". Bác chỉ ra các bước làm công tác dân vận, đó là: Tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ; phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm...

Ai phụ trách dân vận? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân...". Bác còn nói: "Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm".

Còn dân vận như thế nào? Bác nêu 6 phẩm chất cần có là: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi là sự sâu sát, nắm bắt, hiểu được dân. Còn miệng nói, tay làm chính là sự nêu gương, nói đi đôi với làm chứ không phải nói suông. Có thế, dân mới tin… Rồi Bác kết luận: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Công tác dân vận ngày nay trong điều kiện có chính quyền, có công cụ thông tin, truyền thông mạnh, có mạng internet... nhưng vẫn rất cần sự sâu sát, lắng nghe, bàn bạc với dân. "Dân vận khéo" là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của từng đối tượng, từng con người. Chính vì thế, việc triển khai công tác dân vận đối với công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, dân tộc, tôn giáo... có những điểm khác nhau, phải rất nhuyễn về cả nội dung và phương pháp. Tiềm năng, nguồn lực trong dân còn lớn, muốn phát huy sức dân thì phải có chủ trương, chính sách đúng đắn. Chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tự nó có sức ảnh hưởng lan tỏa trong nhân dân.

Công tác dân vận phải luôn chú trọng việc thuyết phục, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và thực hiện hành chính công khai, minh bạch, giảm thủ tục phiền hà. Nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ứng xử, tiếp xúc, đối thoại với dân đều thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng, có lý, có tình... thì dân vận sẽ ngày càng khéo, sự đồng thuận sẽ ngày càng cao.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta luôn xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vì nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó luôn chủ trương phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Đối với lĩnh vực tôn giáo, Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới với những luận điểm mang tính đột phá, trong đó, quan trọng nhất là luận điểm: "Thực chất, công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng".

Đến Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục phát triển, nâng các quan điểm trên lên tầm vĩ mô hơn, trong đó khẳng định: "Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng", "Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị", "Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc"...

Thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII); Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở", các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục thực hiện "Năm dân vận khéo" 2020 nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác dân vận, nỗ lực xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân. Trong bối cảnh toàn đảng, toàn quân, toàn dân đang đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc vận dụng những tư tưởng, quan điểm của Người cũng như chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân vận khéo trong lĩnh vực tôn giáo là nhiệm vụ cần kíp cả về trước mắt cũng như lâu dài.

2. Tình hình, kết quả thực hiện công tác "Dân vận khéo" tại cơ quan Ban Tôn giáo

2.1. Kết quả đạt được

Quán triệt quan điểm chỉ đạo về công tác dân vận khéo trong lĩnh vực tôn giáo, thời gian qua, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Lâm Đồng đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện sâu rộng trong hệ thống ngành quản lý nhà nước về tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thường xuyên làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo hoạt động tôn giáo đúng quy định pháp luật; tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, những kết quả nổi bật đạt được là:

a. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về tôn giáo

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo tiếp tục được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động khác nhau. Trong đó, gắn công tác tuyên truyền, phố biến, quán triệt, học tập các văn bản về công tác dân vận của Đảng, Nhà nước với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Quán triệt quan điểm "Xây dựng chính quyền hành động và phục vụ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn" trong lĩnh vực tôn giáo. Đặc biệt là tham mưu Ban Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị UBND các huyện, thành tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng quyết liệt, cụ thể, hiệu quả; thường xuyên bám sát, dành thời gian cho cơ sở, tìm giải pháp giải quyết các khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở.

Song song với đó, chủ động tổ chức, phối hợp UBND các huyện, thành tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công tác tôn giáo để vận động chức sắc, tín đồ thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình hoạt động tôn giáo; giúp đội ngũ cán bộ, công chức trang bị kiến thức về tôn giáo, rèn luyện, trau dồi kỹ năng thực hiện công tác dân vận trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại địa phương, cơ sở.

b. Công tác chuyên môn

Để giúp cho công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ phát huy hiệu quả, việc kịp thời giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của đồng bào có đạo là nhiệm vụ được quan tâm, đặt lên hàng đầu.

Thời gian qua, Ban Tôn giáo đã chủ động tham mưu Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện, thành quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo sát tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.

Nhân dịp các tôn giáo tổ chức các sự kiện hoặc lễ trọng, cơ quan đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh và Sở Nội vụ hỗ trợ một phần kinh phí hoặc tổ chức các đoàn đi thăm, chúc mừng, tặng quà, qua đó, làm tốt công tác vận động, tranh thủ đồng bào có đạo thực hiện phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo". Đặc biệt, khi các chức sắc, tu sĩ ốm đau, bệnh tật, qua đời, kịp thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ để động viên tinh thần nhằm tạo mối quan hệ gần gũi, hiểu biết, thân thiện.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo, việc thực hiện công tác vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận trong giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của các tôn giáo luôn được xem là nhiệm vụ khó khăn, để đảm bảo thành công, cần thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc, tín đồ. Với yêu cầu đó, thời gian qua, Ban Tôn giáo đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết tốt nhiều vấn đề quan trọng như: Giải quyết đơn của các tôn giáo đòi lại cơ sở nhà nước đang quản lý, sử dụng; các vấn đề liên quan đến nội bộ của các tôn giáo...

c. Công tác phối hợp với các cấp, các ngành, UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị, xã hội

Quán triệt quan điểm "công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị", vì vậy, Ban Tôn giáo thường xuyên, chủ động phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh và Công an tỉnh tổ chức làm việc, gặp mặt, trao đổi với chức sắc chủ chốt các tôn giáo tại UBMTTQVN tỉnh để bàn hướng xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo còn tồn đọng, vướng mắc. Qua đó, giúp cho công tác giải quyết đồng bộ, hiệu quả; hướng dẫn, giải đáp, xử lý các kiến nghị của chức sắc, chức việc đảm bảo sự đồng thuận.

Tiếp tục duy trì chương trình phối hợp giữa ngành Nội vụ với các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác vận động đoàn viên, hội viên là người có đạo chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Đi đôi với công tác vận động quần chúng là người có đạo, công tác phối hợp đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo luôn được quan tâm như: gặp gỡ, tranh thủ, vận động tuyên truyền để các chức sắc, chức việc, tín đồ nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước…

Hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc chung tay giúp đỡ người nghèo theo phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Đồng thời, xác định đây là một kênh quan trọng trong công tác vận động quần chúng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Quán triệt tinh thần đó, lãnh đạo, công chức, người lao động cơ quan đã tích cực hưởng ứng trong việc đóng góp quỹ vì người nghèo hàng năm; chủ động phối hợp các cấp, các ngành vận động công chức, người lao động, chức sắc, chức việc, tín đồ, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình thương cho hộ gia đình khó khăn là tín đồ tôn giáo trong tỉnh; quyên góp quần áo, vật dụng gia đình để tặng cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Ngoài những công tác nêu trên, một nhiệm vụ quan trọng mà cơ quan thường xuyên quan tâm, thực hiện để cụ thể hóa công tác dân vận khéo đối với các tôn giáo là việc tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt chức sắc chủ chốt các tôn giáo thông qua các hoạt động văn nghệ, thể thao; các buổi dùng cơm thân mật tại cơ quan Ban Tôn giáo hoặc tại các cơ sở tôn giáo trong tỉnh. Từ đó, xóa bỏ khoảng cách giữa chính quyền với giáo hội các tôn giáo, giúp cho công tác vận động quần chúng là đồng bào có đạo phát huy hiệu quả rõ rệt.

2.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân vận khéo tại cơ quan Ban Tôn giáo còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể:

- Mặc dù chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh, nhưng trong quá trình triển khai, thực hiện còn tồn tại một số bất cập, nhất là việc hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành nên dẫn đến việc giải quyết các thủ tục hành chính còn để thời gian kéo dài, gây tâm tư, bức xúc trong một bộ phận chức sắc, tín đồ. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, gây khó khăn cho công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, tín đồ. Thậm chí, một số chức sắc còn cho rằng chính quyền "nói không đi đôi với làm".

- Công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng thiếu chiều sâu, đa số vẫn còn mang tính thời vụ, chưa xây dựng được lực lượng cốt cán trong các tôn giáo và chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ chức sắc chủ chốt.

- Lâm Đồng là tỉnh có số lượng chức sắc, tín đồ các tôn giáo đông, cơ sở thờ tự nhiều, địa bàn trải rộng, nhiều vùng sâu, vùng xa, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở vừa thiếu lại chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý còn hạn hẹp. Vì vậy, việc bám sát cơ sở, thường xuyên giữ mối liên hệ với chức sắc, tín đồ còn hạn chế.

2.3. Nguyên nhân

- Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được xem là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp; đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng diễn ra sôi động. Công tác vận động chức sắc, chức việc cần có phương pháp phù hợp, khéo léo, linh hoạt do đối tượng vận động là những người có trình độ, năng lực, đạo hạnh, có khả năng quy tụ, tập hợp quần chúng tín đồ. Trong khi đội ngũ cán bộ (nhất là cấp huyện và cấp xã) thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo sâu về trình độ chuyên môn, trang bị kỹ về kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống khi thực hiện công tác dân vận nên hiệu quả mang lại chưa cao.

- Đời sống của đa số cán bộ làm công tác tôn giáo còn khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền lương hàng tháng, trong khi chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý. Từ đó, phần nào tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Thậm chí, có một bộ phận cán bộ không muốn gắn bó lâu dài với nghề.

- Công tác phối hợp giữa Ban Tôn giáo với các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ dân vận khéo lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tuy đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ.

3. Một số giải pháp

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác dân vận khéo tại cơ quan Ban Tôn giáo, trong phạm vi chuyên đề, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Quán triệt tinh thần nội dung các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước về tôn giáo cho đội ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở.  

- Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tập hợp, vận động quần chúng thông qua việc tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Nội vụ giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo cần có thái độ ứng xử chuẩn mực, tránh thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu đối với chức sắc, chức việc, tín đồ.

- Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo.

- Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cả về trình độ chuyên môn, lý luận cũng như thực tiễn công tác vận động quần chúng. Lãnh đạo ban cần mạnh dạn hơn nữa trong việc phân công, giao nhiệm vụ cho cấp dưới đi kiểm tra thực tế, làm việc với địa phương, cơ sở, tiếp xúc, làm việc với chức sắc, chức việc các tôn giáo để tiếp tục rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống phát sinh trong công tác quản lý.

- Đảng viên, công chức, người lao động cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, nói đi đôi với làm; không ngừng tự học tập, tìm hiểu để nâng cao trình độ chuyên môn cả về lý luận cũng như thực tiễn, nhất là việc  duy trì mối quan hệ mật thiết với chức sắc, chức việc, tín đồ; gắn bó, sâu sát cơ sở. Qua đó, thực hiện tốt công tác vận động đồng bào có đạo chấp hành quy định pháp luật trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thuận, ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, chung tay, góp sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

- Kịp thời giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ động phối hợp các cấp, các ngành tiến hành kiểm tra thực tế, xác minh. Qua đó, tiến hành đối thoại với các tôn giáo để tìm hiểu bản chất sự việc nhằm tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật, hợp tình, hợp lý.

- Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác thăm hỏi, chúc mừng chức sắc, chức việc chủ chốt nhân dịp diễn ra các cuộc lễ trọng; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khi chức sắc, chức việc gặp tai nạn, ốm đau, bệnh tật; thăm viếng, chia buồn khi họ qua đời./.

 

Đặng Xuân Hồng

Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Lâm Đồng