Phật giáo Đà Nẵng với công tác bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 12/05/20201. Phật giáo thành phố Đà Nẵng: lịch sử và hiện tại
Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở vị trí trung độ của đất nước (cách Hà Nội 764 km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam), phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông, thành phố có 08 đơn vị hành chính cấp huyện (tính cả huyện đảo Hoàng Sa) và 56 đơn vị hành chính cấp xã. Đà Nẵng là đầu mối giao thông lớn nhất của khu vực miền Trung về đường sắt, đường thủy, đường bộ (quốc lộ 1A, 14B), đường hàng không quốc tế. Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) là cửa ngõ ra biển quan trọng của Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và là điểm đầu, cuối của Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và các quốc gia ASEAN. Dân số toàn thành phố hiện nay là 1.134.310 người[1], thuộc 29 thành phần dân tộc, trong đó có 28 thành phần dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở lợi thế của mình, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, phát huy thế mạnh, với cách làm đột phá, bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội để vượt qua khó khăn, thách thức, và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, đã có nhiều chỉ tiêu đạt tiến độ Nghị quyết đề ra, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người được nâng lên; duy trì được vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên…
Qua số liệu thống kê của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng, tính đến năm 2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 09 tổ chức tôn giáo thuộc 06 tôn giáo hợp pháp được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao Đài, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Họ đạo Cao Đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Ngoài ra, có 09 điểm nhóm của các hệ phái Tin Lành và 01 địa điểm của tổ chức Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt.
Riêng đối với Phật giáo, về mặt lịch sử, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng Phật giáo được truyền vào Đà Nẵng vào khoảng thể kỷ XVII, trong đó Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo của Việt Nam trong thời kỳ chúa Nguyễn. Khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Đà Nẵng người Việt đã tạo dựng ở Ngũ Hành Sơn một hệ thống các ngôi chùa dày đặc, hầu như ngọn núi, hang động nào cũng có thờ Phật, hoặc thờ những vật linh khí của nhà Phật. Nơi đây cũng đã đón tiếp rất nhiều vua chúa, quan lại, sư tăng trong và ngoài nước viếng thăm.
Đến nay, Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng có 03 hệ phái: Bắc Tông, Nam Tông và hệ phái Khất sĩ, với hơn 110 chùa và có khoảng 500 chức sắc. Tại thành phố Đà Nẵng, đối với Phật giáo có các lễ hội quy mô lớn như : lễ Phật đản tổ chức vào tháng 4 âm lịch; lễ Vu lan tổ chức vào tháng 7 âm lịch; lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn tổ chức vào tháng 2 âm lịch; lễ Vu lan Báo hiếu - Ngũ Hành Sơn diễn ra từ các năm 2017, 2018, 2019; Trong đó, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn "được ghi vào danh mục là 1 trong 15 lễ hội lớn, khá ấn tượng mang tầm cỡ quốc gia" cùng với những giá trị độc đáo vốn có của mình, lễ hội là kênh thông tin để quảng bá hình ảnh thành phố, cầu nối đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng vươn tầm đến mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, các hoạt động thuyết giảng Phật pháp, các khóa tu học Phật, khóa tu mùa hè dành cho các em thanh thiếu niên thường được các chùa Bát Nhã, Bồ đề Thiền Viện, chùa Hương Sơn, chùa Quan Thế Âm, Long Hoa.. tổ chức định kỳ hằng năm. Ngoài ra, nhiều sự kiện Phật giáo lớn cũng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng như: Hội thảo toàn quốc của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt trong năm 2011; Năm 2018, Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương tổ chức Hội nghị đại biểu Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc lần thứ 12 tại chùa Pháp Lâm…Đáng chú ý trong các ngôi chùa Phật giáo trên địa bàn thành phố hiện nay, có rất nhiều ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp như: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng - Non nước, chùa An Long, chùa Pháp Lâm, chùa Vu Lan, Tịnh xá Ngọc Giáng…Đồng thời, hầu như các ngôi chùa lớn tại thành phố Đà Nẵng đều gắn liền với những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như: ngôi chùa Linh Ứng - Non nước, chùa Quan Thế Âm, chùa Tam Thai, chùa Long Hoa, chùa Hương Sơn, chùa Huệ Quang gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn và hiện nay Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã quy hoạch xây dựng tại đây Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn; Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, chùa Sơn Trà gắn với khu du lịch bán đảo Sơn Trà; chùa Linh Ứng - Bà Nà gắn với khu du lịch sinh thái Bà Nà; tại chùa Quan Thế Âm thuộc quận Ngũ Hành Sơn có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo thành phố Đà Nẵng, đây là bảo tàng Phật giáo đầu tiên của nước ta với khoảng 500 hiện vật bao gồm tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ VII-VIII và có giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Đặc biệt, tính đến ngày 28/5/2019, trong số 58 bức ảnh du lịch đẹp nhất năm 2019, có bức ảnh chụp tượng Phật Quán Thế Âm hiện đang tọa lạc tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã được các biên tập viên của kênh CNN bình chọn là ảnh du lịch đẹp nhất nữa đầu năm 2019. Hằng năm có nhiều đoàn Phật giáo quốc tế như: Hàn quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến hoạt động giao lưu tại thành phố Đà Nẵng…
Nhìn chung, trong quá trình hình thành, vận động và phát triển, Phật giáo tại Đà Nẵng đã hòa mình và để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều mặt đời sống của người dân, nhất là trong các phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Phật giáo tại Đà Nẵng vừa gìn giữ mạch nguồn truyền thống của Phật giáo dân tộc, vừa nảy sinh những sắc thái riêng do bị quy định bởi hoàn cảnh địa lí – lịch sử - xã hội. Mặt khác, Phật giáo Đà Nẵng còn chiếm giữ vai trò quan trọng, góp phần ổn định nhân tâm, tạo nền tảng tinh thần cho xã hội, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của quần chúng; góp phần xây dựng xã hội nhân văn, hướng thiện, thắt chặt cố kết cộng đồng, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng.
2. Những đóng góp tích cực của Phật giáo thành phố Đà Nẵng trong công tác bảo vệ môi trường
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng “Thành phố môi trường” của Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến năm 2020. Đề án đặt ra 23 tiêu chí bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường không khí, môi trường nước, quản lí chất thải rắn, cây xanh và phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lí và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả mọi người và cả hệ thống chính trị; tạo sự an toàn về sức khỏe và văn minh, một môi trường sống tốt cho người dân, nhà đầu tư và du khách.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020), ngày 18 tháng 8 năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020 với sự tham dự của các chức sắc, chức việc chủ chốt của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Trên cơ sở Chương trình phối hợp của thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn mình với những nội dung thực hiện sát thực với tình hình, điều kiện của địa phương và của phong trào chung. Ở cấp thành phố: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Chương trình phối hợp trong các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thành phố đến chức sắc, chức việc các tôn giáo, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về: Luật Môi trường 2014, lợi ích của việc hỏa táng và vận động thực hiện hỏa táng, bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi cư trú, nơi thờ tự, phân loại rác thải tại nguồn...Biên soạn Tờ rơi tuyên truyền về rác thải và phân loại rác thải tại nguồn, tài liệu tuyên truyền hỏa táng, tài liệu Luật môi trường 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Môi trường, Chương trình mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu... đến chức sắc, chức việc, người tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố...Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã hướng dẫn và hỗ trợ Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, lồng ghép tuyên truyền việc thực hiện chủ trương “Thành phố bốn an” và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các giáo xứ, vùng đồng bào có đạo. Ở cấp quận, huyện: Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện trên cơ sở các Chương trình ký kết của địa phương, chủ động phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức truyên truyền, nâng cao năng lực thực hiện chương trình bằng các cuộc tọa đàm, hội thảo, cụ thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân vận quận ủy và các chức sắc tôn giáo ký kết chương trình bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện Chương trình “ Thành phố 4 an” và 02 nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho quận Hải Châu qua việc thực hiện tốt mô hình “ Người dân Hải Châu thân thiện, vỉa hè thông thoáng đường phố sạch đẹp”; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà phối hợp cùng Ban Trị sự GHPGVN quận tổ chức tọa đàm và phát động mô hình “Phật giáo Sơn Trà chung tay bảo vệ môi trường” với sự tham gia của Tăng Ni và đồng bào Phật tử các tự viện trên địa bàn quận; phối hợp cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường quận tổ chức 08 điểm tuyên truyền hỏa táng tại 08 khu dân cư 7 phường thuộc quận, với trên 1.300 lượt người tham dự; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê tổ chức tọa đàm với sự tham gia của chức sắc, chức việc người đứng đầu các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận...
Ngoài ra, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Tôn giáo thành phố cũng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của chức sắc, chức việc, tín đồ và du khách về việc sử dụng khẩu trang thông thường trong hoạt động sinh hoạt bình thường. Đối với những loại khẩu trang này, không có nguy cơ nhiễm bệnh thì được sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, của Bộ Y tế. Đồng thời, quán triệt đến chức sắc, chức việc, tín đồ, du khách... thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác hoặc thiết bị lưu chứa rác an toàn, được đậy kín để được thu gom, xử lý như đối với chất thải thông thường, không vứt bừa bãi nơi công cộng gây phản cảm; Chỉ đạo các các tổ chức tôn giáo trực thuộc, các cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng tăng cường vệ sinh môi trường, bố trí thùng, thiết bị lưu chứa rác an toàn, có nắp đậy, không vứt rác khẩu trang đã qua sử dụng bừa bãi trong phạm vi khuôn viên cơ sở thờ tự.
Riêng đối với Phật giáo thành phố Đà Nẵng, để hưởng ứng các chủ trương, giải pháp của chính quyền thành phố, trong thời gian qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đã huy động chức sắc và đông đảo tín đồ triển khai thực hiện nhiều nội dung rất thiết thực như: vận động toàn thể tăng, ni, tín đồ Phật tử thực hiện các chương trình như tiết kiệm nguồn nước, trồng cây xanh; phát động đạo hữu, Phật tử không tổ chức việc tang lễ kéo dài thời gian; đảm bảo cường độ âm thanh vừa phải khi hành lễ để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh; vận động tăng ni, Phật tử quét dọn vệ sinh đường phố, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp với tinh thần xây dựng thành phố Đà Nẵng đáng sống, thân thiện với môi trường.
Thông qua công tác hoằng pháp, các chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đã triển khai hướng dẫn, vận động đạo hữu phật tử trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang lễ như: không nên đốt vàng mã khi cúng lễ; không nên rải giấy tiền khi đưa tang trên đường phố. Tại các cơ sở Phật giáo cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu cho Phật tử với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường cũng được một số chức sắc thuyết giảng, tuyên truyền cho các tín đồ, Phật tử. Đến với những khóa tu này, tín đồ, Phật tử sẽ được lĩnh hội những kiến thức về bảo vệ môi trường theo quan điểm của Phật giáo, để từ đó có những ứng dụng, thực hành ngay trong cuộc sống thường ngày và khuyến khích những người khác cùng chung tay hành động vì môi trường.
Bên cạnh đó, để tiếp tục góp phần vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở Phật giáo, được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, tại gần 20 cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: chùa Bát Nhã, chùa Huệ Quang, chùa Quan Thế Âm, Thiền viện Bồ đề, chùa Tân Ninh, chùa Hương Sơn, chùa Long Hoa… đã nhiệt tình tham gia việc lắp đặt các bảng Pano hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Theo đó, tùy thuộc vào quy mô, diện tích thực tế, mà mỗi cơ sở sẽ được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố hỗ trợ lắp đặt miễn phí từ 01 đến 04 Pano, mỗi Pano có chiều cao khoảng 1,2m, chiều rộng 0,5m để hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp.
Nội dung của các Pano hướng dẫn là những hình ảnh dễ hiểu, nhằm mục đích tuyên truyền những hành vi có liên quan đến việc xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: không hút thuốc; không uống rượu bia; không xả rác; không mặc quần áo phản cảm khi vào các cơ sở thờ tự…việc này đã góp phần vào việc nâng cao ý thức của người dân đối với việc giữ gìn sự tôn nghiêm, bảo vệ môi trường tại cơ sở Phật giáo nói riêng, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung.
Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương, quy định của UBND thành phố về việc không chôn cất người chết trong khuôn viên cơ sở thờ tự góp phần xây dựng thành phố môi trường và tiết kiệm quỹ đất cho các hoạt động khác; các cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố đã dừng việc chôn cất thi thể chức sắc qua đời trong khuôn viên cơ sở thờ tự, từng bước chuyển qua hình thức hỏa táng và đem tro cốt về thờ phụng tại cơ sở thờ tự. Trong những năm qua, một số chức sắc của Giáo hội như các cố Hòa thượng: Thích Viên Minh, Thích Minh Tuấn, Thích Giác Viên, Thích Thiện Nguyện, Thích Chí Mãn, cố Ni sư Thích nữ Diệu Thanh v.v… đã được hỏa táng, sau đó đưa tro cốt về thờ tại các chùa. Đặc biệt một số chức sắc có học vị cao, có vai trò chủ chốt trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thông qua việc hoằng pháp đã chọn đề tài liên quan đến nội dung hỏa táng đưa vào để thuyết giảng, tuyên truyền, giải thích ý nghĩa để Phật tử, quần chúng Nhân dân thực hiện theo.
Gần đây, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác phòng chống dịch đã được các chùa triển khai nghiêm túc, nhiều chùa đã vận động bà con Phật tử phát khẩu trang miễn phí, chung tay nhặt rác, quét dọn vệ sinh môi trường, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, không để phát sinh mầm bệnh trong cộng đồng.
Hiện nay, để phát triển bền vững cần phải dựa trên ba yếu tố cấu thành là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững là xu hướng chung của thế giới, các quốc gia Châu Á và Nhà nước ta. Do đó, việc đẩy mạnh bảo vệ môi trường ngang bằng với phát triển kinh tế, xã hội là điều rất cần thiết, nhằm tạo sự cần bằng bền vững trong quá trình phát triển thành phố. Trên tinh thần đó, trong thời gian qua, với trách nhiệm, ý thức tự giác bảo vệ môi trường và nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, Phật giáo đã góp phần cùng chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng và bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn./.
Tài liệu tham khảo
1. Thạch Phương - Nguyễn Đình An (Chủ biên): Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
2. Thích Minh Châu, Đạo đức học Phật giáo, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.
3. Võ Đình Cường, Đây Gia đình, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001.
4. Lê Duy Anh, Lễ hội và văn hoá dân gian xứ Quảng, Nxb Quân đội nhân dân, 2010.
5. Nhiều tác giả, Những gương sống tốt đời đẹp đạo, Nxb Tôn giáo, 2001.
6. Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, số 205, tháng 7/2019.
7. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tạp chí công tác Tôn giáo số 8/2019.
8. Cổng Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ: https://btgcp.gov.vn
Ths. Đinh Đức Hiền
Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng