Nhiều hoạt động hấp dẫn trong Lễ hội thành Tuyên 2019
Ngày đăng: 07/06/2019
Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra chính thức trong 3 ngày (từ ngày 12 đến ngày 14/9/2019 tức 14 đến 16/8 Âm lịch) tại Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn.

Nhằm tôn vinh và phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các địa phương trong cả nước và giới thiệu với nhân dân trong cả nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là giá trị về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến”, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Đây cũng là dịp để tỉnh Tuyên Quang thúc đẩy công tác truyền thông, xúc tiến du lịch đến đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 được tổ chức với các nội dung: Lễ khai mạc Lễ hội và Liên hoan diễn ra trong 03 đêm chính: Lễ Khai mạc (Đêm thứ nhất) với chủ đề “Tuyên Quang - Tinh hoa hội tụ” vào 20 giờ 00', ngày 12/9/2019 tại Sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang; Đêm hội Thành Tuyên (Đêm thứ hai) với chủ đề "Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên" vào 20 giờ ngày 13/9/2019 tại Sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang; Chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân (Đêm thứ ba) với chủ đề: "Tuyên Quang - Hội nhập và Phát triển" vào 20 giờ, ngày 14/9/2019 tại Sân khấu lớn Quảng trường Nguyễn Tất Thành và cổng Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Hát then của dân tộc Tày (Tuyên Quang) sẽ được trình diễn tại liên hoan năm 2019

Ngoài ra, Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 dự kiến mời một số tỉnh, thành với loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Múa Bồng (Lễ hội Làng riều Khú - Hà Nội); Múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh); Đờn ca tài tử (Bạ Liêu); Chầu văn (Nam Định), hát Trống quân (Hưng Yên), Dân ca Quan họ (Bắc Giang), Xòe Thái (Sơn La), Hát Xoan (Phú họ) và Hát then của dân tộc Tày, lễ cấp sắc của dân tộc Dao (Tuyên Quang)...

Lễ hội Thành Tuyên được bắt nguồn từ hoạt động tự phát của người dân Tuyên Quang, với mong muốn đem đến cho các em thiếu nhi một đêm Rằm Trung thu vui tươi, đầy ý nghĩa. Ban đầu, một vài tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã góp công, góp sức để tạo ra những mô hình đèn trung thu để rước trên các tuyến phố. Dần dần cách tổ chức rước đèn mới lạ này đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Năm 2014, lần đầu tiên, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội này đã được kỷ lục Guiness xác lập: "Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam", "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam", "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam". Từ năm 2015 đến nay, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ đặc sắc.

 

Nguồn: giaoducthoidai.vn