Nhà tu hành tiêu biểu học tập và làm theo Bác
Ngày đăng: 19/05/2020
Đại đức Thích Quảng Nguyên là điển hình tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang trong thực hiệnChỉ thị 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, với nhiều việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Đại đức Thích Quảng Nguyên, Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, trụ trì chùa Bảo Tịnh - là đại diện duy nhất của Hậu Giang được chọn tham gia Chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác.

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 tỉnh là Hậu Giang và Cà Mau có đại biểu tham dự. Còn cả nước có 28 tập thể, cá nhân được vinh danh. Đại đức Thích Quảng Nguyên là điển hình tiêu biểu của tỉnh Hậu Giang trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, với nhiều việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Đại đức đã có ý tưởng và hành động cho mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối thoát nghèo bền vững trong tôn giáo. Mô hình thứ hai được Đại đức tâm huyết thực hiện là tôn giáo tiếp cận với lịch sử và những mẩu chuyện về Bác.

Nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, chùa Bảo Tịnh cùng các cấp chính quyền đã dựng được 10 trụ đèn sử dụng  năng lượng mặt trời trên tuyến đường ở khu vực 2, phường VII, là minh chứng cho mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đại đức Thích Quảng Nguyên cùng bà con nhân dân xây dựng một bờ kè sinh thái chống sạt lở dài 400 km. Trong bờ kè trồng cây xanh, như dừa, cà na. Đến thời điểm này, việc xây dựng bờ kè sinh thái tạm ổn định.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều công trình đem lại hiệu quả thiết thực do Đại đức Thích Quảng Nguyên cùng các nhà sư và Phật tử chùa Bảo Tịnh thực hiện thời gian qua, nằm trong chuỗi hoạt động của mô hình “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, không có hộ nghèo trong tôn giáo”  được thực hiện từ năm 2017. Qua mỗi năm, mô hình lại bổ sung thêm cách làm mới, được đánh giá rất nhân văn.

Đại đức Thích Quảng Nguyên còn rất tâm huyết thực hiện thoát nghèo bền vững tại địa phương. Trong đó, việc giúp giảm nghèo 3 hộ dân và tạo việc làm, học nghề cho 25 hộ cận nghèo khác trên địa bàn được sự đồng tình, ngưỡng mộ của nhiều người dân.

Đại đức Thích Quảng Nguyên đã liên hệ, nhờ tư vấn vay vốn cho những hộ dân, liên hệ mở các lớp học nghề cho hộ cận nghèo. Mong muốn của Đại đức là không để cho các hộ này tái nghèo và tái cận nghèo. Các nghề chính để “thoát nghèo” là nghề may, lái xe vận tải và nấu ăn.

Trong đợt dịch COVID-19, Đại đức cùng Phật tử đã tuyên truyền đến Nhân dân về tác hại và cách phòng, chống đại dịch hiệu quả, trao tặng hơn 1.600 khẩu trang các loại cho người dân địa phương.

Đại đức chia sẻ rằng những ngày tham gia Chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được gặp gỡ những điển hình từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, được biết nhiều cách làm hay, thiết thực, phù hợp trong học tập và làm theo Bác giúp Đại đức tự nhìn lại bản thân mình, rút kinh nghiệm để góp phần thực hiện tốt hơn Chỉ thị 05.

Theo Đại đức Thích Quảng Nguyên, giữa giáo lý nhà Phật và tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng. Một minh chứng là ở chùa lúc nào cũng phải sống “cần kiệm”, mà tinh thần “cần kiệm” trong tư tưởng của Bác luôn là bài học được nhắc nhở liên tục trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân…

Bởi vậy, việc tuyên truyền cho Phật tử thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cùng học tập, làm theo Chỉ thị số 05 với nhà chùa là việc làm cần thiết, nên làm, để cùng tạo sự lan tỏa.

Đại đức Thích Quảng Nguyên cho biết mỗi tuần vào ngày chủ nhật, các tăng, ni sẽ tập hợp thanh thiếu niên tại địa phương hướng dẫn giáo lý Phật giáo và chia sẻ những mẩu chuyện đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đại đức cho biết, Bác có rất nhiều mẩu chuyện, nhưng tôi tâm đắc nhất là những câu chuyện về lối sống giản dị, cần cù, tiết kiệm của Bác. Câu chuyện về “Đôi dép Bác Hồ” là chuyện được Đại đức Thích Quảng Nguyên kể nhiều cho các bạn thanh thiếu niên.

Đó chính là đôi dép mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong hơn 20 năm, từ năm 1947 cho đến khi Người qua đời. Đôi dép này được làm từ một chiếc lốp ô tô quân sự của quân đội Pháp (do Quân đội ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc) và gửi tặng Bác.

Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ, rất vừa chân Bác. Nó đã theo chân Bác trên mỗi chặng đường. Dù tiếp khách trong nước hay khách quốc tế, đến với bộ đội, công nhân, nông dân hay trí thức, Bác vẫn thường đi đôi dép ấy.

Chính những bài học, câu chuyện về tấm gương Hồ Chí Minh đã khiến Đại đức Thích Quảng Nguyên đang nung nấu xây dựng ngôi nhà tưởng niệm về Bác, trưng bày những đầu sách liên quan đến cuộc đời cách mạng và những mẩu chuyện về Bác tại địa phương. Đại đức nhấn mạnh rằng mong muốn giữa Phật giáo với xã hội và lý tưởng của Bác tương đồng với nhau, đều muốn cho cuộc sống của người dân an lạc, ấm no, học và làm theo Bác Hồ không chỉ có cán bộ mà còn là mỗi người dân, là cả cộng đồng.

 

Theo Chinhphu.vn