Điện Biên: Lễ hội Thành Bản Phủ lần thứ VIII năm 2019
Ngày đăng: 01/04/2019
Sáng ngày 29/3/2019, tại xã Noong Hẹt, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Thành Bản Phủ - Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ VIII, năm 2019. Đông đảo người dân, du khách thập phương đã tới tham dự.

Lễ hội Thành Bản Phủ năm nay được tổ chức để kỷ niệm 265 năm ngày chiến thắng của nghĩa quân Hoàng Công Chất, giải phóng Mường Thanh (1754 - 2019) và 250 năm ngày mất của tướng quân Hoàng Công Chất (1769 - 2019).

Lễ hội được diễn ra với hai phần chính, gồm: Phần lễ mở đầu bằng màn rước kiệu, múa rồng, cùng các hoạt động dâng hương, tế lễ, đọc chúc văn kể lại quá trình đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm và giữ bản làng của tướng quân Hoàng Công Chất; phần hội là không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc, với các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, không gian ẩm thực và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, kéo co, ném còn…

Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Lễ hội Thành Bản Phủ được địa phương tổ chức vào ngày 24/2 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; được tổ chức nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với Tướng quân Hoàng Công Chất cùng với các tướng Ngải, tướng Khanh đã có công lao to lớn trong việc giải phóng, bảo vệ mảnh đất Mường Thanh".

Năm nay, lễ hội còn là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, do đó được đầu tư dàn dựng công phu, với nhiều nét đổi mới để đáp ứng nhu cầu giao lưu học hỏi, cũng như quảng bá, tôn vinh những bản sắc văn hóa dân gian của địa phương, thu hút phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

"Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện. Thông qua lễ hội này chúng tôi giáo dục truyền thống đoàn kết cho nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên. Đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước. Trong quá trình tổ chức chúng tôi cũng luôn luôn tìm tòi, đổi mới nhưng những quy định trong hồ sơ công nhận lễ hội Thành Bản Phủ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì phải tuyệt đối tôn trọng. Tất cả những ca khúc, những màn diễn xướng luôn luôn đổi mới đảm bảo tính trang nghiêm của lễ hội", ông Nguyễn Hữu Khởi nói.

Nguồn: VOV-Tây Bắc