Di sản văn hoá Bắc Ninh “bắt tay” với công nghệ
Ngày đăng: 20/07/2018
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hoá” cho thấy sự nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ để bảo tồn và quảng bá di sản. Những công nghệ mới như 2D, 3D, máy bay không người lái, định vị toàn cầu, công nghệ thực tế ảo, chụp hình vệ tinh hay chụp ảnh độ phân giải cao… sẽ trở thành “trợ thủ” sao chép và lưu giữ thông tin về “kho báu di sản” của quê hương Bắc Ninh.

Bắc Ninh là miền quê nổi tiếng với những sắc thái văn hóa rất độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng và tiêu biểu nhất của xứ Kinh Bắc. Lịch sử, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc, độc đáo, hấp dẫn và riêng có mà hiếm vùng miền nào có được. Những giá trị văn hóa đó đã trở thành di sản văn hóa vô giá của vùng đất Bắc Ninh.

Theo thống kê, về di sản vật thể, Bắc Ninh có tổng số 529 ngôi đình, 146 ngôi đền, 59 nghè, 57 miếu, 31 lăng, 10 điếm, 4 am... Ngoài ra còn có các Bảo vật, nhóm bảo vật Quốc gia cùng nhiều hệ thống tài liệu, hiện vật trong di tích như sắc phong, thần tích, bia đá, văn khắc chữ Hán Nôm... Bắc Ninh cũng đang sở hữu hệ thống di sản văn hoá phi vật thể phong phú và đặc sắc với gần 550 lễ hội truyền thống trong năm. Đặc biệt, có Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại và Ca trù là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; cũng là địa phương có nhiều làng nghề với 120 làng nghề (62 làng nghề thủ công truyền thống)… Kho báu di sản này cần phải được trân trọng, gìn giữ và bảo tồn cho muôn đời sau. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới giống như một “làng toàn cầu”, khi hầu như mọi thứ đều có thể sản xuất hàng loạt thì nhu cầu tìm đến cái khác biệt trở thành xu hướng. Do vậy, Bắc Ninh có thể tận dụng bản sắc văn hoá để tạo dấu ấn thương hiệu.

Trước sự “đổ bộ” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực đời sống hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá là tất yếu, vừa tận dụng được cơ hội vừa bắt kịp xu thế thời đại. Để không bỏ lỡ “chuyến tàu” 4.0, mới đây UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hoá tỉnh Bắc Ninh” với tổng mức đầu tư khái toán xấp xỉ 45 tỷ đồng. Đề án được triển khai liên tiếp trong 3 năm từ 2018 đến 2020 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Khoa học kỹ thuật và các chuyên gia lĩnh vực cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có sự phối hợp tư vấn của các nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa như: Pháp, Nhật, Hàn Quốc...

Những canh hát Quan họ cổ ở nhà chứa cũng được gìn giữ nhờ ứng dụng truyền thông đa phương tiện.

Nội dung chính của đề án là xây dựng phần mềm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu di sản văn hoá; xây dựng ngân hàng dữ liệu dạng số tổng thể hệ thống di sản vật thể và phi vật thể bao gồm: hồ sơ khoa học về di sản, dữ liệu hồ sơ số cơ sở dữ liệu không gian 3D, ảnh chụp đen trắng và màu; băng, đĩa ghi hình… các văn bản pháp lý có liên quan, các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Vì được tiến hành dưới dạng số nên có thể lưu giữ vĩnh viễn các thông tin về không gian, thời gian, đặc điểm hình học, mầu sắc, bố cục, văn bản, video, âm thanh, hình ảnh, lễ hội, làng nghề... phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, giáo dục về lịch sử văn hóa của tỉnh đồng thời hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa và thiết lập cơ sở pháp lý, khoa học. Bên cạnh đó, góp phần quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế những danh lam thắng cảnh, những giá trị về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, tạo những dịch vụ thuận lợi cho du lịch nhằm thu hút khách tham quan.

Thông tin từ cơ quan chuyên môn cho biết, do khối lượng công việc của Đề án rất lớn và có nhiều tính đặc thù, phức tạp, công tác thu thập tài liệu mất nhiều thời gian nên phương án tổ chức thực hiện được kết hợp giữa cuốn chiếu và song trùng, vừa thiết kế phần mềm vừa thu thập dữ liệu theo chuẩn sau đó tích hợp thành cơ sơ dữ liệu di sản, đáp ứng tiến độ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và tính hiệu quả cao.

Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hoá tỉnh Bắc Ninh là việc làm cần thiết được xác định là mục tiêu quan trọng, góp phần xây dựng thành phố thông minh; bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa của tỉnh. Nếu việc triển khai đề án bảo đảm chất lượng thì không chỉ tận dụng tiện ích truyền thông đa phương tiện và internet, vừa giúp kết nối hệ thống di sản với các vùng miền trong nước và cả thế giới mà còn cho phép chia sẻ tối đa nội dung truyền thông về di sản trên tiện ích truyền thông, nhất là trên giao diện điện tử tương tác, dễ dàng truy cập thông qua các thiết bị như Smartphone, máy tính bảng và nhiều thiết bị nghe, nhìn khác…

Như vậy, hiệu quả không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di sản bằng mô hình 3D, tuyên truyền quảng bá về các giá trị văn hóa Bắc Ninh mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại để phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc với người dân. Đặc biệt là giới trẻ-những người đang rất nhạy bén với công nghệ, đề án sẽ đánh thức niềm yêu thích và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của thế hệ trẻ.

 Thuận Cẩm