Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân
Ngày đăng: 03/06/2020Đảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù trên khía cạnh pháp luật được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa, luật hóa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tính đến ngày 20/5/2020, các trại giam thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an đang quản lý, giam giữ tổng số hơn 130.000 phạm nhân, phần lớn phạm nhân trước khi bị bắt, giam giữ, thi hành án phạt tù có hoạt động cúng lễ thờ tổ tiên, dòng họ hoặc có tín ngưỡng khác theo truyền thống văn hóa của từng dân tộc. Trong tổng số phạm nhân, có hơn 11.000 phạm nhân theo tôn giáo. Cụ thể: 3.859 phạm nhân theo Công giáo, 336 phạm nhân theo Tin Lành, 5.862 phạm nhân theo Phật giáo; 392 phạm nhân theo Phật giáo Hòa Hảo, 532 phạm nhân theo Cao Đài, 37 phạm nhân theo Hồi giáo, hơn 40 phạm nhân theo các tôn giáo khác.
Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù. Đó là, thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tạo mọi điều kiện để phạm nhân có tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Thông tư số17/2020/TT-BCA ngày 18/2/2020 ban hành Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân. Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân theo quy định pháp luật.
Tất cả phạm nhân, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo được quản lý, giam giữ, tổ chức lao động cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quá trình chấp hành án phạt tù. Tuyệt đối không phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân bảo đảm không để xảy ra xung đột, kỳ thị, xa lánh giữa các phạm nhân có tín ngưỡng, tôn giáo với các phạm nhân không có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc giữa các phạm nhân theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy trại giam, các hành vi liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như: Ép buộc, cản trở phạm nhân theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; bói toán, cúng lễ, truyền đạo hoặc các hành vi mê tín, dị đoan; cất giấu, sử dụng sách, báo, ấn phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo chưa qua kiểm duyệt, có nội dung độc hại trái quy định pháp luật hoặc có hành vi ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân khác. Qua đó, tạo môi trường cải tạo thân thiện, tích cực cho phạm nhân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định pháp luật.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phạm nhân sử dụng, nghiên cứu kinh sách, các loại sách, báo, ấn phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo tại thư viện dành cho phạm nhân trong trại giam để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Phạm nhân được nhận và sử dụng các loại sách, báo, ấn phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo được phát hành hợp pháp do thân nhân gửi đến sau khi được kiểm duyệt.
Trại giam là nơi chấp hành án phạt tù, do vậy, trong quá trình chấp hành án, phạm nhân được bảo đảm các quyền được pháp luật bảo vệ, trong đó có quyền thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi mà không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của phạm nhân khác và không trái với quy định của pháp luật như: Thực hiện nghi lễ "làm dấu thánh", cầu nguyện; ăn chay vào các ngày rằm, mùng một âm lịch…
"Tín ngưỡng, tôn giáo luôn hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, giúp phạm nhân từng bước thay đổi hành vi nhân cách. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của vấn đề này, các trại giam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để phạm nhân có thể bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật", Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục C10 cho biết.
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta hiện nay hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân nói chung và phạm nhân đang chấp hành án phạt tù nói riêng phù hợp với Công ước quốc tế và ngang tầm với luật pháp của nhiều quốc gia có nền pháp chế lâu đời. Qua đó, thể hiện tính ưu việt của chế độ, tinh thần nhân đạo, tính nhân văn trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền con người trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Nguồn: baodansinh.vn