Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ: Các tổ chức tôn giáo là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với chức sắc, tín đồ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Ngày đăng: 26/08/2022Theo ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, mỗi tôn giáo ở Việt Nam dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với chức sắc, tín đồ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tính đến tháng 12/2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó, có trên 54.000 chức sắc, 135,5 nghìn chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng.
Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Theo đánh giá của Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, như: Công giáo với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; các tổ chức Tin Lành với đường hướng “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; các hệ phái Cao Đài với đường hướng “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo với đường hướng “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với đường hướng “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”; Hồi giáo với đường hướng “Lẽ sống tốt đạo, đẹp đời”; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với đường hướng “Hành Tứ Ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”…
Nhiều chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng Nhân dân tin tưởng, bầu chọn vào các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương. Tại Quốc hội khóa XV, có 05 chức sắc trúng cử đại biểu quốc hội; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại các địa phương trên cả nước, chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Treo cờ Tổ quốc tại cơ sở tôn giáo được chức sắc, chức việc và tín đồ các tổ chức tôn giáo đón nhận, hưởng ứng tích cực
Thực hiện phát động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ đều đón nhận và hưởng ứng tích cực. Các tổ chức tôn giáo đã chủ động, tích cực hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, gia đình các tín đồ treo cờ Tổ quốc vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và sự kiện quan trọng của các tổ chức tôn giáo; tự nguyện, tự giác treo cờ Tổ quốc tại cơ sở tôn giáo và tại gia đình, trên tàu thuyền trong quá trình ra khơi bám biển.
Ở nhiều nơi, tôn giáo đóng vai trò góp phần từng bước nâng cao tính tự quản của cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân, góp phần bài trừ các tập tục lạc hậu, tăng cường đoàn kết trong nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào các tôn giáo.
Các tổ chức tôn giáo cũng chủ động đề xuất và tích cực tham gia các mô hình phòng, chống và khắc phục thiên tai, các hoạt động chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở nhiều địa phương với nhiều mô hình tốt, cách làm hay đã được thực hiện và nhân rộng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Chức sắc, chức việc các tôn giáo có vai trò then chốt trong hướng dẫn, vận động, khuyên bảo tín đồ chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt pháp luật, tránh các tệ nạn xã hội, chấp hành các quy định ở địa phương, xây dựng tình làng nghĩa xóm, tôn trọng và đoàn kết các tôn giáo, dân tộc. Chính những điều đó đã tạo nên sự ổn định, gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo và làm cho tôn giáo luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội”, Trưởng ban Vũ Hoài Bắc nhận định.
Cộng đồng các tôn giáo đóng góp nguồn lực quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Hơn 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với số lượng tín đồ chiếm số lượng khá lớn trên quy mô dân số, đồng bào các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác.
Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng đóng góp nguồn lực quan trọng, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, gồm: 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trong lĩnh vực y tế, hiện có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức. Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng; hàng năm đã thành lập các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo.
Bên cạnh đó, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo; đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Những hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” sâu sắc trong cộng đồng.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và Nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất.
Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỉ đồng cho quỹ vắc xin, hàng trăm tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; những mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “ATM gạo”, “Bếp yêu thương”… cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn đã lan tỏa tình yêu thương và tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua cơn đại dịch.
Tại lễ xuất quân lực lượng tình nguyện viên tôn giáo đợt đầu tiên tham gia hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, tháng 7/2021
Các tổ chức tôn giáo góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước
Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra rất đa dạng, phong phú. Nhiều đoàn của tôn giáo ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), đối thoại Liên tín ngưỡng khu vực Châu Á Thái Bình Dương…
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức trọng thể, thành công ở nước ta và dư luận thế giới đánh giá cao như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 03 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc; Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới; Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội nghị Giám mục Á châu…
Ngoài ra, các sự kiện tôn giáo lớn thu hút sự quan tâm, tham dự của chức sắc, tín đồ tôn giáo ở trong và ngoài nước như: Hội yến Diêu trì cung của Cao Đài tổ chức hàng năm; Đại hội La Vang của Công giáo… Những hoạt động trên đã góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam; về các tôn giáo, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần đáng kể vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống tôn giáo Việt Nam, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Mỗi tôn giáo tại Việt Nam, dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo không chỉ lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội; mà còn cụ thể hóa các giá trị đó thành những hành động thiết thực cứu người, giúp đời; góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.
“Mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chính là điểm tương đồng, là mạch kết nối, nơi gặp gỡ giữa giá trị nhân bản trong tôn giáo với giá trị nhân văn của chủ nghĩa xã hội, là mẫu số chung để huy động và gắn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc nhấn mạnh./.
Như Ngọc