Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn với tinh thần “Phật pháp - Đạo pháp - Hiếu nghĩa - Dân tộc”
Ngày đăng: 13/07/2023Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn là một tôn giáo nội sinh, do ông Nguyễn Ngọc An sáng lập năm 1915 tại tỉnh Kiên Giang với giáo lý sử dụng giáo pháp Thích Ca Mâu Ni, dựa trên nền tảng Nho giáo với pháp môn Nhơn đạo của Đức Khổng Tử, theo tinh thần (còn gọi là Hạnh) Quan Thế Âm Bồ Tát. An Bình tự, khu phố Cư Xá, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang được xem như là trung tâm của Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn.
Về tên gọi của Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn thì đó là sự hợp thành bởi giáo pháp Phật hội, pháp môn tu Nhơn đạo với cốt lõi là “Hiếu - Nghĩa” và lấy tên núi Tà Lơn là địa danh nơi các vị tổ sư tu học và đắc đạo.
Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn hoạt động với tôn chỉ hành đạo là “Phật pháp - Đạo pháp - Hiếu nghĩa - Dân tộc”, khuyên con người đề cao “Hiếu và Nghĩa”; mục đích hành đạo là “An bình - Bác ái - Từ tâm - Học Phật - Tu nhân - Báo đáp tứ ân”.
Giáo lý Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn sử dụng giáo pháp Thích Ca Mâu Ni, dựa trên nền tảng Nho giáo với pháp môn Nhơn đạo của Khổng Tử, theo tinh thần (còn gọi là Hạnh) Quan Thế Âm Bồ Tát. Giáo luật của Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn có 08 điều quy luật, 10 điều răn và 20 điều cấm nhưng được khái quát như sau: phải tôn kính Phật Tổ Quan Âm; Thiên Hoàng; Địa Hoàng sanh hóa vạn vật; Tổ giáo huấn nghề; âm - dương, ngũ hành; Quốc vương thủy, hỏa, thổ nuôi dưỡng người; Giáo sư dạy dỗ tâm lành từ thiện; phụ mẫu sinh thành, ông bà, cô bác, anh em, xóm làng. Tín đồ Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn phải thực hiện một số nghi lễ, đó là: tại chùa hằng ngày hành lễ giờ Ngọ, Mão, Dậu; tại gia đình hằng ngày hành lễ giờ Mão, Dậu.
Biểu tượng của Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn là một bông sen tám cánh, năm cánh dưới thể hiện cho năm chùa, ba cánh trên thể hiện cho ba am và ôm lấy bầu linh dược tượng trưng cho pháp tu Tịnh độ.
Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn thờ Trần Điều màu nâu đỏ với ý nghĩa thiêng liêng, tôn kính tượng trưng cho Tây phương Phật và Thánh, Thần, đồng thời, tượng trưng cho màu khí huyết dân tộc, màu “Hiếu, Trung, Tiết, Nghĩa”.
Trang phục của Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn gồm: Sắc phục lễ của chức việc và tín đồ: Màu vàng, may theo kiểu lục bình dài quá gối (không cài bằng nút) thắt bằng dây ở ba điểm. Khi thắt lại thành chữ “Vương” (王). Đối với chức việc, khi hành lễ phủ trên đầu lúp, mão đến nửa lưng che hai bên bờ vai, bên ngoài màu đen, bên trong màu đỏ. Thường phục của tín đồ khi lễ hội hoặc dự lễ, hội họp có màu nâu đỏ sậm.
Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn hiện có 08 chùa, am, cốc với khoảng 6.669 tín đồ tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Ngày 22/9/2016, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn được Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Trụ sở đặt tại tổ đình An Bình tự, tổ 39, khu phố Cư Xá, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Ngày 10/6/2022, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ I nhiệm kỳ 2022-2027, suy cử 21 vị vào Hội đồng Trị sự Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn, ông Nguyễn Hiền Lương được suy cử làm Trưởng Hội đồng Trị sự Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn nhiệm kỳ 2022-2027 và thông qua Hiến chương của Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn gồm 06 chương, 24 điều.
Ngày 08/8/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 632/QĐ-BNV về việc công nhận tổ chức tôn giáo đối với Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn thuộc tôn giáo Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, trụ sở đặt tại An Bình tự, khu phố Cư Xá, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, với mục đích hoạt động của Phật hội “An bình - Bác ái - Từ tâm - Học Phật - Tu nhân - Báo đáp tứ ân”. Về cơ cấu tổ chức có 02 cấp: cấp Trung ương là Hội đồng Trị sự; cấp cơ sở (tổ chức tôn giáo trực thuộc) là ban quản tự các chùa, am, cốc.
Ngày 09/8/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 4389/BNV-TGCP về việc chấp thuận Hiến chương Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn đã được Đại hội
Đại biểu cấp toàn đạo lần thứ I nhiệm kỳ 2022-2027 thông qua ngày
10/6/2022.
Long An tự, phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên
Hiện nay, Phật hội Hiếu nghĩa Tà Lơn có 08 cơ sở thờ tự, khoảng 6.500 tín đồ đang sinh sống ở 04 tỉnh, thành phố là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang. Phật hội Hiếu nghĩa Tà Lơn không có đội ngũ chức sắc chuyên nghiệp, chỉ có các chức việc phụ trách sinh hoạt tôn giáo tại các chùa, am, cốc và là những người tâm đạo, có uy tín trong cộng đồng tín đồ. Tín đồ của Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn không phân biệt nam nữ, thành phần, dân tộc tự phát nguyện quy y thọ giới, tuân theo giáo lý, giáo luật, tôn chỉ, đường hướng hành đạo, thực hành lễ nghi của đạo; chấp hành pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tôn giáo, đạo đời, chấp hành bản Hiến chương của Phật hội Hiếu nghĩa Tà Lơn.
Tại tỉnh An Giang, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có 01 cơ sở thờ tự là Long An tự, tọa lạc tại khóm Mỹ Thọ, phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên được tạo dựng từ năm 1943 với hơn 173 tín đồ (theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019). Năm 2015, Hội đồng Trung ương Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn chuẩn y công nhận Ban Quản tự Long An tự có 11 thành viên gồm 01 Trưởng ban, 01 Phó ban và 09 ủy viên. Năm 2018, Ban Quản tự được củng cố, chuẩn y công nhận 08 thành viên gồm 01 Trưởng ban, 01 Phó ban và 06 ủy viên. Ngày 31/5/2023, Hội đồng Trị sự Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn đã ban hành Quyết định công nhận chức việc Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, tham gia Ban Quản tự Long An tự gồm 07 thành viên: 01 Trưởng ban, 01 Phó ban, 05 ủy viên. Sau khi thành lập, Ban Quản tự Long An tự là tổ chức tôn giáo trực thuộc, thuộc hệ thống quản lý của Hội đồng Trị sự Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có 01 cơ sở thờ tự là Dân An tự, tọa lạc tại xã Tân Khánh, huyện Lấp Vò. Dân An tự có diện tích đất 225m2, diện tích xây dựng 135m2 với 479 tín đồ gồm 199 nam, 280 nữ; Ban Quản tự có 10 chức việc.
Tại tỉnh Kiên Giang, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có 03 cơ sở thờ tự. Tiên An tự ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp với diện tích đất 939 m2, diện tích xây dựng 780m2, 559 tín đồ gồm 243 nam, 316 nữ; Ban Quản tự có 13 chức việc. An Bình tự tọa lạc tại thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương với diện tích đất 55.500m2, diện tích xây dựng 1.618m2, tín đồ có 3.822 người, gồm 2.227 nam, 1.595 nữ tập trung ở các huyện: Kiên Lương, Hòn Đất, Phú Quốc, Giang Thành và thành phố Hà Tiên; Ban Quản tự có 16 chức việc. Nam An tự tọa lạc tại xã Đông Hòa, huyện An Minh với diện tích đất 2.000m2, diện tích xây dựng 145m2, tín đồ có 531 người gồm 237 nam, 294 nữ; Ban Trị sự có 10 chức việc.
Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có các lễ hội chính tại chùa là: lễ cúng sao hội (Cầu Quốc thái dân an) vào ngày 09 tháng Giêng; lễ Thượng nguyên Phật giáo vào ngày Rằm tháng Giêng; lễ Đức giáo sư vị tổ đình khai sáng đạo Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn quy vị vào mùng 7 tháng Tư Âm lịch; lễ khai sáng đạo, ngày vía tổ đình vào ngày Rằm tháng Bảy; lễ Hạ nguyên Phật giáo vào ngày Rằm tháng Mười.
Việc công nhận tổ chức tôn giáo Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Việc Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn được công nhận tổ chức tôn giáo góp phần thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và hoạt động tôn giáo của Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn; đảm bảo các hoạt dộng đạo sự của Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, đưa công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp.
Nguyễn Lê