Ni giới Việt Nam - những bông sen thơm ngát trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày đăng: 07/11/2023
36 ni trưởng, ni sư tiêu biểu tham dự cuộc gặp mặt, biểu dương ni giới GHPGVN có nhiều đóng góp cho đất nước tại trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ, tháng 10/2023
Phật giáo là tôn giáo có đông chức sắc, tín đồ và ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống văn hóa, xã hội của người Việt Nam. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trên 54 nghìn tăng, ni, trong đó ni giới chiếm khoảng 60% số lượng tăng, ni của cả nước.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ni giới là bộ phận quan trọng góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Ngay từ buổi đầu Phật giáo truyền vào Việt Nam, ni giới Phật giáo Việt Nam cùng với chư tăng đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó, phải kể đến những vị nữ tướng xuất gia tu hành thời Hai Bà Trưng, như: Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ni giới tích cực tham gia phong trào kháng chiến, kiến quốc, xây dựng, củng cố hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến. Khi đất nước thống nhất, nhiều ni được Nhân dân tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ các cấp; được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen…

Hiện nay, ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trên nhiều lĩnh vực hoạt động, như: y tế, giáo dục, an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo... Tính riêng trong nhiệm kỳ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2017-2022), hoạt động từ thiện - xã hội do Phân ban Ni giới Trung ương triển khai đạt giá trị trên 1.170 tỷ đồng.   

Trong cả nước, nhiều tự viện ni phối hợp với các cơ sở từ thiện tại địa phương, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội triển khai hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điển hình như: chùa Diệu Giác, chùa Pháp Võ (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Bồ Đề Đạo Tràng (tỉnh Bình Dương), chùa Đức Sơn (tỉnh Thừa Thiên Huế), chùa Bồ Đề (Thành phố Hà Nội); chăm sóc người già neo đơn cơ nhỡ: chùa Lâm Quang, chùa Từ Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh); mở phòng khám đa khoa từ thiện, Tuệ Tĩnh đường khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo: Quan Âm tu viện (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Phước An (thành phố Cần Thơ), chùa Hà Tiên (tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Long Bửu (tỉnh Bình Dương); cung cấp bếp ăn chay, suất ăn chay từ thiện: chùa Quang Minh (tỉnh Bình Phước), chùa Phước Viên, Quan Âm tu viện, chùa Bảo Vân (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Thanh Đức - Kon Tum,…

Ngoài ra, các ni còn thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, như: tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tặng xe lăn cho người khuyết tật, in kinh chữ nổi cho người khiếm thị và học sinh khiếm thị (chùa Thiên Quang, tỉnh Bình Dương), hiến máu nhân đạo, tặng nhà tình nghĩa, xây nhà tình thương, vận động chương trình mổ mắt, thay thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo, ủng hộ bệnh nhân chất độc da cam, Quỹ Vì người nghèo, xây cầu, khoan giếng, hỗ trợ cho vay vốn cải thiện đời sống công nhân,… Trung tuần tháng 10/2023, Đoàn Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức trao 1.500 phần quà từ thiện cho đồng bào nghèo và 1.180 học sinh dân tộc nội trú tại ba tỉnh miền núi Tây Bắc là Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ 500 triệu đồng Quỹ Mổ mắt cho bà con nghèo của huyện miền núi Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, năm 2021, khi cả nước và TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, ni giới ba miền Bắc, Trung, Nam đã tham gia ủng hộ 01 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine COVID-19; tặng máy thở, bình ôxy, xe cấp cứu, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, khẩu trang, đồ bảo hộ, gang tay, nước sát khuẩn, thùng giữ nhiệt bảo quản Vaccine COVID-19 cho các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực, cơ sở cách ly y tế tại địa phương; tặng lương thực, thực phẩm, hỗ trợ siêu thị 0 đồng, ATM gạo cho bà con lao động gặp khó khăn, tiêu biểu như: chùa Quang Minh, tỉnh Bình Phước, chùa Phước Viên, chùa Pháp Võ, Quan Âm tu viện, chùa Đức Nguyên, chùa Bảo Quang, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Nhiều chùa do ni giới trụ trì là hạt nhân trong các phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thường xuyên vận động phật tử tổ chức thu gom túi ni-lông, chai nhựa trên thảm cỏ nơi công cộng, vỉa hè, khu phố; vận động các gia đình trồng cây xanh quanh khu vực sinh sống, thực hiện phóng sinh, ăn chay, hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm nhựa dùng 01 lần, phân loại rác tại nguồn, giảm dần tiến tới không đốt vàng mã… Quan Âm tu viện tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở tôn giáo đã được nhận giải thưởng môi trường do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng vào năm 2016.

Vai trò của ni giới được phát huy điển hình trong công tác giáo dục. Với giáo dục mầm non, các ni đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp mầm non cho con em phật tử: mầm non Sơn Ca, chùa Giác Tâm, Thành phố Hồ Chí Minh, mầm non Sen Vàng, chùa Thanh Tâm, Thành phố Hồ Chí Minh, mầm non Tịnh Nghiêm, chùa Tịnh Nghiêm, tỉnh Tiền Giang,... với phương châm trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước và toàn cầu, nếu các em được chăm sóc, giáo dưỡng tốt ngay từ bậc mầm non thì trong tương lai sẽ trở thành những người xây dựng xã hội văn minh, công bằng. Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, Thích Nữ Huệ Dâng, Thích Nữ Huệ Đức là diễn giả được nhiều người biết đến, thường xuyên tổ chức các khóa tu cho giới trẻ, học sinh, sinh viên, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp. Các ni còn tham gia Ban Điều hành và Ban Giảng huấn tại Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh như: Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, Thích Nữ Liễu Pháp, Thích Nữ Tâm Chính là Giảng viên trường Trung - Cao đẳng Phật học thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh đó, ni giới Phật giáo Việt Nam cũng thể hiện vai trò là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, như: đại biểu Quốc hội có Ni sư Thích Nữ Tín Liên; HĐND các cấp có Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương, Ni trưởng Thích Nữ Đàm Khoa, Ni trưởng Thích Nữ Đàm Hiền, Ni trưởng Thích Nữ Như Thảo, Ni sư Thích Nữ Huệ Đức, Ni sư Thích Nữ Đàm Thành, Tu nữ Thích Nữ Liễu Pháp); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có Ni trưởng Thích Nữ Đàm Khoa, Ni trưởng Thích Nữ Đàm Hiền, Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn, Ni trưởng Thích Nữ Thông Mẫn, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến; Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có Ni trưởng Thích Nữ Đàm Khoa, Ni trưởng Thích Nữ Thông Mẫn, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, Ni sư Thích Nữ Huệ Đức; Hội Chữ thập đỏ có Ni trưởng Thích Nữ Đàm Lan, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, Ni sư Thích Nữ Đàm Thành; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi có Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn, Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm; Hội Khuyến học có Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn.

Trong hoạt động đối ngoại, ni giới Việt Nam góp phần quan trọng vào đối ngoại Nhân dân bằng việc tham gia các hội nghị, diễn đàn Phật giáo thế giới, xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gắn kết cộng đồng người Việt Nam có tín ngưỡng Phật giáo ở nước ngoài. Với nhiều đóng góp cho Phật pháp và xã hội, ni giới Việt Nam đã nhận giải thưởng nữ giới kiệt xuất Phật giáo quốc tế năm 2017, tại Thái Lan có Ni trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh, Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn, Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt, Ni sư Thích Nữ Như Uyên, Ni sư Thích Nữ Huệ Đức; giải thưởng của Hội Quan hệ Văn hóa Chính phủ Ấn Độ do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội trao tặng năm 2023 có tu nữ Thích Nữ Liễu Pháp; đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới Sakyadhita lần thứ 11 năm 2009 tại Việt Nam, cử đoàn tham dự Hội nghị Sakyadhita quốc tế tại nước ngoài. Gần đây nhất, tháng 6/2023, đoàn ni giới Việt Nam với gần 100 đại biểu tham dự Hội nghị Sakyadhita lần thứ 18 tại Seoul, Hàn Quốc để lại nhiều dấu ấn và hình ảnh đẹp về ni giới Phật giáo Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127194138-1.jpeg

Đoàn ni giới Việt Nam tham dự Hội nghị Sakyadhita về nữ giới Phật giáo lần thứ 18 tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc từ ngày 23-27/6/2023

Cùng với xu thế hội nhập và phát triển đất nước, ni giới Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp của mình trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Số lượng ni giới Phật giáo Việt Nam tiếp tục gia tăng, trong số đó, có nhiều ni tốt nghiệp học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, đã và đang dấn thân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa chiền đến đảm nhiệm vai trò quan trọng trong các hoạt động an sinh xã hội hay công tác xóa đói giảm nghèo do Nhà nước chủ trương. Những ngôi chùa do các ni trụ trì được vun vén, chăm chút về không gian, là nơi sinh hoạt tâm linh của phật tử, truyền bá Phật pháp, nơi thân tâm thanh tịnh, nhắc nhở con người xóa bỏ tham sân si và còn tạo cảm giác gần gũi cho phật tử, khách thập phương đến chùa như trở về với những người mẹ, người chị trong gia đình.

Ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định: thấm nhuần tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác” của Đức Phật, ni giới Việt Nam đã hướng dẫn phật tử sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, làm tròn bổn phận của phật tử với đạo pháp và nghĩa vụ công dân với đất nước. Phật giáo lưu chuyển trong mạch sống của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, các ni đã góp phần truyền bá chính pháp bằng những phương pháp uyển chuyển, dung dị, gần gũi, giúp giáo lý nhà Phật in sâu vào đời sống và tư tưởng người Việt. Thành quả của ni giới Việt Nam từ xưa tới nay đã được lịch sử ghi nhận. Đánh giá cao và trân quý ghi nhận cống hiến của ni giới Việt Nam ngày nay, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương luôn sát cánh cùng ni giới Việt Nam, tạo điều kiện, động viên và phối hợp để hoạt động của ni giới thiết thực, hiệu quả nhất, phát huy truyền thống xứng đáng với kỳ vọng về ni giới Việt Nam tích cực trong phong trào thi đua “tốt đời, đẹp đạo”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: số lượng chư ni ở Việt Nam hiện nay, vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, trong số đó, có nhiều vị tốt nghiệp học vị cao và giữ những trọng trách quan trọng trong Giáo hội, đóng góp đáng kể trong thành tựu chung của Giáo hội. Để có được một Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi mới, bền vững và trường tồn cùng thời gian, cùng lịch sử dân tộc, vai trò của nữ giới nói chung và đoàn thể ni giới Phật giáo nói riêng chính là một mạch nguồn mang chính pháp đến, lan tỏa hạnh phúc, vinh quang cho đời, cho xã hội và non sông Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại và mạng xã hội, các ni nhanh chóng tìm hiểu, tiếp thu, thay đổi hình thức truyền giảng để phù hợp, dễ tiếp cận với phật tử hơn; nội dung truyền bá đến chúng sinh không chỉ gói gọn trong các vấn đề của kinh sách mà được kết hợp những vấn đề trong gia đình, đời sống xã hội, môi trường sống… với các hình thức sinh hoạt, trao đổi phong phú, linh hoạt, thu hút sự tham gia của tín đồ và Nhân dân. Cũng từ đó, chư ni trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với nữ phật tử, động viên, giúp đỡ nữ phật tử trở thành những tấm gương sáng, giỏi việc nước - đảm việc nhà, đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa… Những hoạt động mà các ni đang thực hiện là sự kế thừa của lịch sử, đồng thời, đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh hiện đại, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo và phương châm “phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”, làm cho ni giới Việt Nam chính là những bông hoa sen tỏa ngát hương thơm trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dân tộc.

Vỹ Thanh