Hòa thượng Lý Long Công Danh học tập, làm theo Bác bằng những việc làm vì lợi ích cộng đồng
Ngày đăng: 27/11/2023
Hòa thượng Lý Long Công Danh, tên thường gọi là sư Minh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Gò Quao, trụ trì chùa Thnol Chum (chùa Thủy Liễu). Trong những năm qua, Hòa thượng đã tích cực học tập và làm theo Bác bằng những việc làm từ thiện, vì lợi ích cộng đồng, trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thủy Liễu, xã vùng sâu của huyện Gò Quao, nơi đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 47% dân số toàn xã, sư Minh luôn trăn trở trước những khó khăn của quê hương. Cầu tre, cầu khỉ còn nhiều, học sinh đi học khó khăn, nhiều em ngã sông khiến lòng ông day dứt không nguôi. Xuất phát từ những suy nghĩ đó, sư đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí xây cầu, làm đường giao thông. Cây cầu đầu tiên được xây dựng năm 2007, dài hơn 20m, trị giá 30 triệu đồng tại ấp Thạnh Hòa II.

Người dân huyện Gò Quao từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh một nhà sư ở xã Thủy Liễu cùng những người nông dân chân đất, người trẻ nhất đã hơn 50 tuổi, lớn tuổi nhất cũng gần 80 tuổi, ròng rã 15 năm cùng nhau đi khắp nơi trong tỉnh, xây những cây cầu bê tông vững chắc ở vùng nông thôn. Nhiều người trong số họ tuy hoàn cảnh còn khó khăn, song, bất kể nắng mưa vẫn tình nguyện bẻ sắt, trộn hồ, vác gạch, xúc cát... tham gia xây cầu cho đồng bào. Những cây cầu dần được hoàn thành trong sự phấn khởi của bà con địa phương. Từ những cây cầu khỉ nhỏ hẹp, nay đã được thay bằng bê tông kiên cố, Nhiều người dân nơi đây nay đi trên cây cầu mới mà cứ ngỡ như một giấc mơ.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190115-1.jpeg

Sư Minh cùng người dân địa phương đổ các trụ bê-tông để chuẩn bị bắc cầu đoạn kết nối 02 xã Thới Quản và Thủy Liễu

Bên cạnh đó, thấy nơi nào còn khó khăn, sư Minh vận động mạnh thường quân kinh phí xây cầu, phần vận động chỉ có chi phí vật liệu xây dựng chứ không tính công lao động. Sau đó, đội xây cầu từ thiện của chùa đi đến địa phương, phối hợp với  chính quyền, vận động thêm ngày công lao động của người dân tại chỗ. Nhiều mạnh thường quân cũng tìm đến nhà chùa để đặt hàng tài trợ xây cầu cho những vùng khó khăn.

Sư Công Danh cho biết: Tôi nhận làm và vận động tiền xây dựng 01 cây cầu chỉ khoảng 80 triệu đồng. Với số tiền này, không ai dám nhận làm, nhưng mình làm đảm bảo chất lượng, đúng bê tông cốt thép nên người ta mới tin tưởng. Nếu mình làm không tốt, người ta mất lòng tin thì mình cũng khó vận động. Nói chung, làm xong đi tới đâu bà con cũng đều nhận xét có chất lượng. Sư làm từ 2007 tới nay cũng được mười mấy năm rồi, cầu vẫn còn  vững chắc, chưa có chỗ nào xuống cấp phải sửa chữa lại.

Từ đó đến nay, hơn 100 cây cầu ở khắp các làng quê vùng sông nước Kiên Giang đã được hoàn thành bởi sự điều hành, vận động của Hòa thượng Lý Long Công Danh, cùng mồ hôi, công sức của đội công quả làm cầu chùa Thnol Chum gồm hơn 20 người. Xây cầu, làm đường cũng chính là công việc mà Hòa thượng Lý Long Công Danh - sư Minh dành nhiều tâm huyết và luôn có tâm nguyện làm được nhiều hơn nữa, góp phần để địa phương sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới. Từ một vùng đất trũng lầy, ngập mặn, huyện Gò Quao đã khoác lên mình chiếc áo mới với những cây cầu kiên cố giúp việc sinh hoạt, đi lại hàng ngày của người dân trở nên thuận lợi và an toàn hơn, giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Danh Sanh, người dân ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa, huyện Gò Quao chia sẻ: nhìn cây cầu được xây dựng, bà con chúng tôi phấn khởi lắm, người già trong ấp bị bệnh nhiều, giờ có cầu rồi, xe ô tô đi được nên bà con thuận tiện di chuyển, đi khám, chữa bệnh, đi chùa, nhất là các dịp lễ, Tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta, đi ruộng đều dễ.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190115-2.jpeg

Trong năm 2022, ngoài việc vận động xây dựng được 18 cây cầu, trị giá hơn 02 tỷ đồng, Hòa thượng Lý Long Công Danh còn trao tặng hơn 1.000 suất quà cho bà con nghèo trong tỉnh. Hòa thượng cho biết, trong công tác từ thiện xã hội, sư học theo Bác ở quan điểm tự nguyện, có trách nhiệm với công việc, lấy lợi ích của cộng đồng làm đầu. Vì vậy, khi vận động các nhà hảo tâm luôn được mọi người nhiệt tình ủng hộ và đóng góp.

Ngoài công tác từ thiện xã hội, Hòa thượng Công Danh đã có hơn 27 năm gắn bó với công tác giáo dục, góp phần vào phong trào dạy tiếng Khmer cho học sinh trong dịp Hè. Để đảm bảo cho công tác giảng dạy của nhà chùa, sư đã vận động phật tử và mạnh thường quân ủng hộ kinh phí xây dựng giảng đường, hoàn thiện vào năm 2018, trị giá hơn 02 tỷ đồng. Mỗi dịp Hè, nhà chùa tổ chức từ 07 đến 08 lớp, với trên 200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 theo học. Sư Minh và một số vị sư cùng phật tử tham gia giảng dạy, thúc đẩy phong trào học tiếng Khmer phát triển mạnh tại địa phương.

Ngoài ra, Hòa thượng còn là đại biểu HĐND huyện Gò Quao, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Gò Quao. Dù trên cương vị nào, Hòa thượng cũng luôn đoàn kết, gắn bó với đồng bào phật tử, cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Sư Minh cũng là một trong số những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Hằng năm, Hòa thượng phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động bà con phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ sự gần gũi, định hướng của Hòa thượng, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Việc đạo, việc đời chiếm khá nhiều thời gian nhưng sư Minh còn tranh thủ thời gian khám bệnh, bốc thuốc Nam miễn phí cho bà con. Cho dù công việc bận rộn suốt ngày, Hòa thượng Lý Long Công Danh năm nay đã ngoài 60 luôn thấy vui vì làm được những việc có ích cho đời; vui nhất là được chính quyền địa phương tin tưởng, Nhân dân yêu mến.

Dưới sự điều hành của sư Minh, chùa Thnol Chum - Thủy Liễu, vốn là ngôi cổ tự được hình thành từ năm 1565, trải qua 26 đời trụ trì, từng là địa chỉ tin cậy của lực lượng cách mạng trong các cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, nay trở thành địa chỉ quen thuộc, thân thương để các tấm lòng từ thiện trong và ngoài tỉnh Kiên Giang tìm đến, chia sẻ, chung tay góp sức vào công tác xây cầu, làm đường, hỗ trợ bà con Khmer nghèo, học sinh nghèo hiếu học cùng nhiều hành động từ tâm khác. Đội ghe Ngo của chùa cũng nỗ lực duy trì hình ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, vào mỗi dịp lễ hội Ook Om Bok - đua ghe Ngo của tỉnh Kiên Giang. Các tay đua của nhà chùa góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp, tinh thần thi đấu hứng khởi, rộn ràng trên dòng kênh xanh lục bình của vùng đất Gò Quao.

Bà Trương Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao chia sẻ: trong thời gian qua, Hòa thượng Lý Long Công Danh đã góp công, góp sức rất nhiều trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc Khmer. Sư cũng là người có nhiều đóng góp cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là việc xây dựng nông thôn mới. Sư Công Danh luôn tâm huyết với hoạt động từ thiện, là tấm gương cho mọi người học tập.

Với những thành tích tiêu biểu, từ năm 2012 đến nay, sư Công Danh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng gần 20 bằng khen trong công tác vận động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nhân đạo, từ thiện, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thi đua yêu nước…; được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm. Năm 2015, Hòa thượng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2010-2014). Đặc biệt, Hòa thượng Lý Long Công Danh là một trong số 67 điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương đầu tháng 11/2023 tại Thủ đô Hà Nội.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190115-3.png

Theo Hòa thượng Công Danh, việc học tập, làm theo Bác được thể hiện từ những việc làm đơn giản, thường nhật. Những cây cầu được xây nên bằng tâm huyết và tấm lòng của Hòa thượng với mong muốn được sẻ chia khó khăn của người dân địa phương. Khi thấy những việc làm ý nghĩa đó của một vị sư Nam tông Khmer, người dân địa phương lại cùng nhau đoàn kết, đồng lòng, chung sức, ủng hộ, đóng góp từ vật chất đến tinh thần để những chiếc cầu, những con đường, những hoạt động an sinh xã hội được tiếp tục nhân rộng, lan tỏa.

Có thể khẳng định, những việc làm ý nghĩa và tâm huyết của Hòa thượng Lý Long Công Danh đã góp phần cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang kiên định thực hiện mục tiêu “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hữu Hưng