Chùa Giác Ngộ tạo dựng nét đẹp văn hóa hiến máu nhân đạo trong cộng đồng ở Thành phố mang tên Bác
Ngày đăng: 23/11/2023
Cứ đến thứ Bảy tuần đầu tiên và tuần thứ ba của mỗi tháng, chùa Giác Ngộ ở địa chỉ 92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh lại nhộn nhịp, rộn ràng không khí của Chương trình Hiến máu nhân đạo.

Thứ Bảy ngày 18/11/2023, đây là lần thứ 83, chùa Giác Ngộ tổ chức Chương trình Hiến máu nhân đạo với thông điệp một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại có gần 200 tình nguyện viên đăng ký tham gia hiến máu. Tại Chương trình, các tình nguyện viên đều được khám sàng lọc lấy máu xét nghiệm phân tích kết quả, đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe và chăm sóc tận tình trước, trong và sau khi hiến máu. Kết quả, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 154 đơn vị máu thể tích 350ml để chia sẻ với những bệnh nhân.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190459-1.jpeg

Máu là loại thuốc đặc biệt, không có chế phẩm thay thế, cần cho nhiều chuyên khoa điều trị hằng ngày, cũng rất cần dự trữ để có thể cứu sống nhiều người dân khi không may xảy ra thiên tai, thảm họa. Hằng ngày, hằng giờ, trên cả nước có những người có hoàn cảnh rất khó khăn trong đau ốm, cấp cứu, thiếu máu, không đủ điều kiện mua máu để tự cứu sống mình. Những người bệnh khao khát trông chờ lòng nhân ái bằng những giọt máu quý báu của mọi người. Vì vậy, chỉ cần hiến một phần máu của mình, mỗi người đã góp phần cứu sống rất nhiều người bệnh đang cần máu. Do đó, hiến máu nhân đạo là một việc làm có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng; nghĩa cử hiến máu cứu người luôn cần được phát huy. Tinh thần tương thân, tương ái đó của phong trào hiến máu tình nguyện phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Góp phần vào phong trào để hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, tạo dựng nét đẹp văn hóa hiến máu cứu người “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, chùa Giác Ngộ, Quỹ Đạo Phật ngày nay kêu gọi các tăng ni, phật tử hãy tham gia hiến máu cứu người, mạnh dạn chia sẻ giọt máu để cứu giúp những bệnh nhân có cơ hội được sống hoặc kéo dài sự sống bằng chính giọt máu quý báu của mình.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190459-2.jpeg

Trong nhiều năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo tại chùa Giác Ngộ đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tăng ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận. Tính đến năm 2023, với 83 lần tổ chức, Chương trình đã thu hút 36.044 lượt tình nguyện viên đăng ký và 28.707 lượt hiến máu thành công. Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, vận động nên lượng máu hiến tặng đều tăng qua các năm, mỗi đợt từ 350-400 người tham dự. Phối hợp thường xuyên với chùa Giác Ngộ để tổ chức hoạt động hiến máu có hai đơn vị là Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm tăng cơ hội cứu thêm được nhiều người thông qua những túi máu nghĩa tình, kể từ tháng 9/2022, chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật ngày nay tổ chức 02 chương trình hiến máu tình nguyện trong một tháng, mỗi chương trình cách nhau 02 tuần. Từ đây, chùa Giác Ngộ trở thành cơ sở tôn giáo tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện nhiều nhất với những con số đầy ấn tượng.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190459-3.jpeg

Chỉ riêng trong năm 2023, chùa Giác Ngộ đã tổ chức 22 chương trình Hiến máu nhân đạo thu về 5.598 đơn vị máu góp phần đáp ứng nhu cầu máu tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận. Những con số này cho thấy sự nỗ lực không mệt mỏi của chùa và đội ngũ phụng sự viên, tình nguyện viên, các y bác sĩ phục vụ hoạt động nhân văn này. Chị Đặng Thị Ngọc, nhân viên văn phòng đang làm việc tại quận Bình Tân chia sẻ việc hiến máu có ý nghĩa rất cao đẹp với cộng đồng, góp phần giúp đỡ những người đang cần máu cũng là giúp bản thân tăng tạo máu mới và có một sức khỏe tốt hơn. Bạn Hoàng Thị Ngọc Hân, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Sài Gòn cho biết: hiến máu và các công tác thiện nguyện khác sẽ giúp những người trẻ tăng cường nhận thức về trách nhiệm xã hội, hướng đến những việc ý nghĩa với cộng đồng và trở thành một công dân tốt cho xã hội.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231127190459-4.jpeg

Chương trình Hiến máu nhân đạo của chùa Giác Ngộ đã đem lại cho tình nguyện viên tham gia niềm vui vì được giúp đỡ những người đang cần lượng máu quý giá. Những giọt máu của các tình nguyện viên cho đi ngày hôm nay sẽ mang lại sự sống, niềm vui, hạnh phúc cho những người bệnh và cả người thân, người thương của họ.

Bên cạnh đó, chùa cũng tổ chức những buổi giảng để mọi người hiểu việc hiến máu không chỉ giúp cho người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn vì thiếu máu mà còn mang lại nhiều lợi ích và hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Khả năng bù trừ của cơ thể ngay sau khi hiến máu để duy trì thể tích tuần hoàn, khả năng sinh máu của tủy xương tăng gấp 4 đến 10 lần nhanh chóng bù lại lượng máu đã mất. Các thành phần máu có đời sống nhất định và thường xuyên được thay thế bằng lượng máu mới trẻ khỏe thay thế lượng máu đã được hiến tặng. Với một sức khỏe tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì một người có thể hiến máu ba lần trong một năm với nguồn máu chất lượng tốt và an toàn cao mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Tùy theo thể trạng, sức khỏe mỗi người, số lượng máu hiến mỗi lần là 250ml, 350ml hoặc 450ml.

Anh T.T.H, một phật tử chia sẻ: ngày cuối tuần, tham gia hiến máu tại chùa Giác Ngộ chính là cơ hội lành thực hiện phép bố thí ba la mật, trợ duyên cho những mảnh đời khó khăn đang cần nguồn máu để duy trì sức khỏe. Qua mỗi buổi hiến máu nhân đạo tại chùa lại nhắc nhở mỗi chúng ta “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” - hãy cho đi và cho đi nhiều hơn nữa vì sự sống của cộng đồng.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình hiến máu tình nguyện được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Phát huy tinh thần hiến máu cứu người, không chỉ chùa Giác Ngộ mà còn tại các điểm chùa khác như: chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3), chùa Hòa Khánh (Phường 11, quận Bình Thạnh), chùa Ấn Quang (Quận 10)… cũng đã thu hút đông đảo Nhân dân và phật tử đến tham gia hiến máu thường kỳ. Những đơn vị máu cho đi được phục vụ cho việc thay lọc, truyền nhận và cứu chữa các bệnh nhân cần máu, bị tai nạn hoặc dùng trong các cuộc phẫu thuật cần thiết.

Sư cô TTN, đến chùa hiến máu chia sẻ: trong Kinh Hiền Ngu, có câu chuyện về tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Thái tử. Một hôm đi vào rừng, thấy một con hổ mẹ và hai chú hổ con đang chết đói, Thái tử động lòng thương nên hy sinh thân mạng, tự lấy cây nhọn đâm vào cổ họng cho máu tuôn ra để mấy mẹ con hổ liếm và sau đó ăn thịt ngài. Điều đó cho thấy đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, người hành giả chớ chỉ lo trau dồi kiến thức mà bỏ sót lòng từ bi. Thái tử Tất Đạt Đa xưa kia vì lòng từ bi thương xót chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi mà xuất gia tu hành và giác ngộ thành Phật, tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài xuất gia vì lòng từ bi và cái mà Ngài thành tựu được đó là trí tuệ giác ngộ. Một hành giả Đại thừa phát tâm theo tu tập Bồ Tát đạo cần phải tu tập Lục độ Ba la mật (Sáu pháp Ba la mật), đó là bố thí, trì giới, tinh tiến, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ, trong đó, bố thí được đặt lên hàng đầu. Bố thí hiểu một cách đơn giản nhất là đem những cái mình có để hiến tặng cho những người đang cần, trong đó có hiến tặng cả thân mạng hoặc một phần thân thể. Vì thế, hành động hiến máu là sự bố thí cao đẹp và đáng được xiển dương.

Vân Chi