Bếp ăn tình thương Bệnh viện Vũng Tàu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Vũng Tàu - nhịp cầu kết nối yêu thương
Ngày đăng: 02/10/2023
Cơ sở mới của bếp ăn tình thương Bệnh viện Vũng Tàu
Trong cuộc sống hằng ngày, con người luôn phải đối mặt với những khó khăn, trắc trở và đi tìm lời giải thích cũng như biện pháp khắc phục. Do vậy, nhiều người tìm đến tôn giáo với mong muốn được che chở, an ủi để vượt qua khó khăn. Với ý nghĩa chân chính đó, tôn giáo nào cũng đề cao sự hướng thiện, khuyên răn con người tu dưỡng, làm điều tốt, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tôn giáo đều có con đường hành đạo khác nhau, gắn với tôn chỉ, mục đích mang bản sắc riêng.

Từ giáo lý, pháp hành Từ - Bi - Hỷ - Xả

Theo giáo lý Phật giáo, thì pháp hành Từ - Bi - Hỷ - Xả là tài sản vô giá mà Đức Phật để lại cho nhân loại. Phật giáo lấy từ bi làm tôn chỉ và hoài bão của mình.

“Từ” là cho đi niềm vui. “Bi” là lòng thương xót trước nỗi đau khổ của chúng sinh. “Đồng thể đại bi” là thấy người khác chết đuối phải xem như chính mình bị chết đuối, thấy người khác đói như chính mình bị đói, thấy người khác khổ như chính mình gặp khốn khó. Đức Phật khuyên phật tử hãy giúp chúng sinh thoát khỏi khổ ải, thấy người đau khổ phải cứu giúp, phải mang đến cho họ niềm vui sống. Thờ ơ trước nỗi đau của con người là đánh mất tinh thần cứu thế của đạo Phật. Có thể nói “Bi” là nhân và “Từ” là quả của “Bi”.

“Hỷ” là cái vui của người thực hiện được pháp hành từ bi. “Xả” là phát tâm cho chúng sinh sự vui vẻ, loại trừ cái khổ của chúng sinh và giúp họ trong hoàn cảnh khó khăn. Làm được như thế, mọi người sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, mừng vui. Muốn làm được điều đó, người theo đạo Phật phải bồi dưỡng Tứ vô lượng tâm. Có Tứ vô lượng tâm mới có thể giáo hóa chúng sinh, giúp  chúng sinh thoát khổ tìm đến bờ vui. Tứ vô lượng tâm chính là Từ - Bi - Hỷ - Xả. Vô lượng là không có hạn định, làm việc thiện, cứu giúp mọi người không bao giờ là đủ.

Làm việc thiện bằng lời nói, hay sự yên lặng thích hợp do lòng tốt là mệnh lệnh, là một trong những phận sự của người phật tử. Giáo lý Phật giáo dạy rằng: Hãy dùng lòng nhân ái và nhẫn nại để vượt lên sân hận, hãy lấy thiện chế ác, lấy sự hào phóng thắng tính keo kiệt, lấy đức trung thực thắng sự gian dối, với lòng khoan dung thù hận sẽ tiêu tan.

Phật giáo đã đưa Từ - Bi - Hỷ - Xả thành nguyên lý và luôn truyền giảng việc diệt trừ sân hận, tinh thần hòa hợp, tính khiêm nhường và khuyên con người chú tâm làm việc thiện, cứu giúp mọi người: “Chừng nào còn có sinh linh đau khổ thì không thể có niềm vui nào cho những ai mang trái tim nhân ái”. Và Phật giáo luôn chủ trương, khuyến tấn mỗi người luôn thực hành hạnh Từ - Bi - Hỷ - Xả, sống thiện lương, nhân từ để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người.

Đến hoạt động hướng thiện, xây dựng Bếp ăn tình thương Bệnh viện Vũng Tàu

Với Phật giáo ở thành phố Vũng Tàu, những năm qua, để con người được vơi bớt khổ đau, phiền não, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Vũng Tàu đã có nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo, trong đó, nổi bật là cơ sở từ thiện Bếp ăn tình thương Bệnh viện Vũng Tàu, một điểm sáng trong công tác từ thiện xã hội.

Bếp ăn tình thương được thành lập từ năm 2000, ban đầu được đặt tại Bệnh viện Lê Lợi, nay là Bệnh viện Vũng Tàu, do cố Hòa thượng Thích Minh Phước sáng lập và làm Trưởng ban Ban điều hành. Năm 2007, Hòa thượng Thích Minh Phước viên tịch, Ni trưởng Thích Nữ Như Từ kế nhiệm đến năm 2021. Tháng 6/2023, Bệnh viện Vũng Tàu được chuyển về địa điểm mới, bếp ăn tình thương cũng được xây dựng khang trang trên diện tích 120m2 trong khuôn viên Bệnh viện và được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Vũng Tàu tiếp quản.

Qua 23 năm hoạt động, bếp ăn đều đặn cung cấp từ 250-350 suất ăn sáng, trưa miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những phần cơm chay không chỉ là “một miếng khi đói”, giúp người bệnh ấm lòng, mà còn giúp họ thấy được sự sẻ chia của cộng đồng, sự hỷ xả của Đức Phật, tiếp cho họ niềm tin, hy vọng trong quá trình vượt qua bệnh tật.

Cô Nguyễn Thị Bạc, 57 tuổi ở Khu phố 5, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền chăm chồng là bệnh nhân lọc thận nhân tạo tại Bệnh viện Vũng Tàu cho biết “Cơm chay ở đây mấy cô nấu rất ngon, dễ ăn, lại vệ sinh nữa. Tôi nuôi ông nhà chạy thận hằng tuần ở đây nhờ có những phần cơm này đỡ nhiều chú ạ vì nhà tôi bên Long Điền lận, nhà xa nên đi lại khó khăn lắm”. Cô Nguyễn Thị Ước, 65 tuổi ở Phường 10, thành phố Vũng Tàu cũng nuôi chồng chạy thận thường xuyên tại Bệnh viện hơn một năm nay chia sẻ: “Rất cảm ơn các sư cô, phật tử đã tổ chức bếp ăn này, giúp đỡ những người khó khăn như vợ chồng tôi. Quê tôi ở Long An, hồi chưa lên Vũng Tàu sinh sống tôi thường xuyên hỗ trợ nhà chùa mang cơm từ thiện đi phát cho người nghèo. Tôi tính tới đây khi ông nhà tôi khỏi bệnh, tôi sẽ đến đây giúp việc cho bếp ăn”.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231222143840-1.png

Ni cô ân cần trao suất cơm cho người bệnh

Theo Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Vũng Tàu, kinh phí duy trì cho bếp ăn hằng tháng khoảng 180 triệu đồng do các phật tử và nhà hảo tâm ủng hộ, nhân lực chế biến, nấu nướng, dọn dẹp do các phật tử, tình nguyện viên thuộc các cơ sở Phật giáo trên địa bàn huy động thay nhau có mặt từng ngày theo ê kíp.

Phật tử Mai Thị Hoàng của chùa Phước Thành, Phường 12, tay bới nồi cơm ngô hồ hởi nói: “Tôi phụ ở đây được mấy tháng rồi. Nay đã 77 tuổi, cũng không còn khỏe nữa. Nhưng còn đi được thì ngày nào tôi cũng đến đây phụ mấy cô nấu nướng cho bệnh nhân nghèo”. Chị Hoàng Thị Kim Huệ là nhân viên Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí thuộc Liên doanh Vietsovpetro cũng tham gia phục vụ tại bếp ăn cho biết, mặc dù, công việc cơ quan và gia đình bận bịu nhưng đều đặn mỗi tháng chị đều dành một ngày cùng nhóm phật tử có mặt ở bếp ăn tình thương để chế biến những món ăn bằng những thực phẩm được mua từ nguồn kinh phí do chính các anh chị đóng góp. Những khẩu phần ăn do các anh chị lo toan tuy nhỏ, nhưng với người bệnh nghèo còn quý hơn “một gói khi no” và phần nào giúp họ vượt qua bệnh tật.

Khi đời sống vật chất, văn hóa của người dân thành phố, trong đó có tín đồ tôn giáo được nâng cao, người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc, nhiệm vụ giảm nghèo được xã hội chung tay, những mảnh đời rủi ro, kém may mắn được quan tâm, thì người dân càng có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Khi đó, những nhịp cầu nhân ái như bếp ăn tình thương Bệnh viện Vũng Tàu sẽ tiếp tục nảy nở để kết nối sự phát tâm, chia sẻ.

Để những mô hình như bếp ăn từ thiện Bệnh viện Vũng Tàu được duy trì và lan tỏa, đòi hỏi các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác dân vận. Những chủ trương đúng, phương pháp quản lý nhà nước về tôn giáo có hiệu quả, vai trò vận động, tập hợp của mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp được phát huy sẽ giúp các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật, cộng đồng tín đồ tôn giáo nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung sống trong an ninh trật tự, đoàn kết, tương trợ nhau, đoàn kết toàn dân tộc được thúc đẩy, hướng đến mục tiêu chung là xây dựng thành phố Vũng Tàu văn minh, hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

ThS. Hoàng Đình Kê

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu