Quá trình hình thành và phát triển của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang
Ngày đăng: 20/06/2017

1. Quá trình thành lập

Ngày 30/12/2003, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định 3642B /QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc -Tôn giáo tỉnh, đến ngày 05/01/2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định 86/QĐ-UB quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo - Định canh Định cư. Ngày 27/6/2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1723/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc -Tôn giáo – ĐCĐC đồng thời thành lập Phòng Tôn giáo trực thuộc Ban.

Đến năm 2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1118/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 chuyển giao tổ chức làm công tác tôn giáo từ Ban Dân tộc  - Tôn giáo - Định canh Định cư về Sở Nội vụ. Năm 2010, thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 26/7/2010, thành lập Ban Tôn giáo, trực thuộc Sở Nội vụ.

Bộ máy tổ chức của Ban Tôn giáo khi thành lập gồm: Lãnh đạo Ban (Trưởng Ban; 02 phó Trưởng Ban) và 03 Phòng chuyên môn ( Hành chính -Tổng hợp và 02 phòng Nghiệp vụ I), số biên chế khi thành lập có 13 người.Số lượng cán bộ, công chức và người lao động hiện nay của Ban Tôn giáo là 11 người.

2. Chức năng, nhiệm vụ

- Chức năng: Giúp lãnh đạo Sở Nội vụ và UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng,tôn giáo tại địa phương.

- Nhiệm vụ: Xây dựng trình cấp cấp có thẩm quyền dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tôn giáo; Giúp Giám đốc Sở Nội vụ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình kế hoạch công tác hàng năm, dài hạn về lĩnh vực tôn giáo; Thực hiện và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tôn giáo đối với cán bộ, đảng viên,  công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tầng lớp  nhân dân, các tôn giáo trong phạm vi quản lý; Tham mưu cho Giám đốc Sở Nội vụ giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về tôn giáo; phối hợp với các Sở ngành liên quan giải quyết các vụ việc phát sinh đối với tín ngưỡng, tôn giáo; Thực hiện việc làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tôn giáo; Kiểm tra, giám sát, giải quyết các đơn thư khiếu kiện khiếu nại về tôn giáo; Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo tại địa phương thuộc phạm vi quản lý; Tham gia quản lý các khu di tích, danh lam thắng cảnh có liên quan đến tôn giáo; Hướng dẫn phòng Nội vụ cấp huyện giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo; Quản lý về tổ chức, biên chế, tài chính, tài sản, cán bộ công chức của đơn vị theo phân cấp của Giám đốc Sở Nội vụ và theo quy định của pháp luật.

3. Kết quả đạt được

Những năm qua, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang đã tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại địa phương, đảm bảo trong thực tế quyền tự do tôn giáo của người dân. Đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tôn giáo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo; hướng dẫn tổ chức tôn giáo thực hiện đăng ký sinh hoạt hằng năm; giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động tôn giáo, kịp thời nhắc nhở những hoạt động tôn giáo không phù hợp pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc thực hiện tốt bổn phận trước tín đồ; xem xét giải quyết các nhu cầu về nhà, đất, cơ sở thờ tự, đào tạo, bồi dưỡng chức sắc tôn giáo theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo... Đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo được diễn ra theo quy định pháp luật;phát huy những giá trị tích cực, khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động tôn giáo; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.

Kết quả, đến nay đã chấp thuận thành lập 02 tổ chức tôn giáo cơ sở (giáo xứ) với 04 giáo họ Công giáo; chấp thuận thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang, với 18 Hội đoàn Phật tử đăng ký sinh hoạt tôn giáo; cấp giấy chứng nhận sinh hoạt đạo Tin lành cho 53/157 điểm nhóm; cấp phép xây dựng cho 05 cơ sở thờ tự (03 của Công giáo, 02 của Phật giáo); chấp thuận cho các tôn giáo được tổ chức các cuộc lễ trọng hằng năm trên tinh thần an toàn, tiết kiệm và đoàn kết. Giá trị tích cực của tôn giáo như; đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần tương thân, tương ái được phát huy; việc lợi dụng tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật và sự phát triển không bình thường của tôn giáo trên địa bàn tỉnh được hạn chế.

Việc xem xét giải quyết nhà, đất tôn giáo được quan tâm chỉ đạo, từng bước đáp ứng nhu cầu của tổ chức, tín đồ tôn giáo. Tỉnh đã có quy hoạch sử dụng đất cho mục đích tôn giáo trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 07/02/2013.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo được chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm đúng quy định của pháp luật, không để tình trạng khiếu nại kéo dài ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và lòng tin của tổ chức, tín đồ tôn giáo.

Công tác đối ngoại về tôn giáo được thực hiện theo đúng nguyên tắc, góp phần khẳng định việc thực hiện nhất quán quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo. Trong những năm qua, tỉnh đã đón nhiều đoàn thuộc các tổ chức quốc tế đến tìm hiểu tình hình tôn giáo. Qua các chuyến thăm, làm việc, kiểm chứng tại cơ sở, các đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện chính sách tôn giáo của tỉnh, góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước về vấn đề tôn giáo, nhân quyền.

Công tác đấu tranh chống âm mưu hoạt động lợi dụng tôn giáo kích động phá hoại khối đại đoàn kết, xâm phạm an ninh quốc gia được đặc biệt quan tâm chú ý. Các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đã tích cực chủ động đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền, vu cáo xuyên tạc tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo tại địa phương. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Với thành tích đã đạt được, những năm qua đã có 22 công chức thuộc Ban Tôn giáo tỉnh được các cấp khen thưởng với hình thức cao nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tập thể Ban Tôn giáo tỉnh được Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen năm 2010 và UBND tỉnh tặng Bằng khen các năm 2011, 2015; tặng cờ thi đua năm 2012./.

Phan Khắc Mạnh