Phủ Tây Hồ - nơi linh thiêng giữa lòng Hà Nội
Ngày đăng: 21/10/2022
Phủ Tây Hồ nằm ở phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, tọa lạc trên doi đất hình Kim Quy, với long chầu – hổ phục hai bên trái – phải, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương và Chử Đồng Tử), nơi đây gắn liền với truyền thuyết về cuộc gặp gỡ lần thứ 2 của công chúa Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cùng tú tài họ Ngô (tức Ngô Tường Sinh ) và cử nhân họ Lý (tức Lý Hạ).

Các công trình kiến trúc của phủ bao gồm cổng tam quan, kiến trúc chính ba nếp: phương đình, tiền tế, hậu cung, điện sơn trang, khu nhà khách, lầu cô, lầu cậu.

Di tích Phủ Tây Hồ hiện nay còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú và mang giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật thuộc thế kỷ 19-20 như bộ tượng tròn gần 30 pho, hoành phi, câu đối, đặc biệt là bức Đại tự ghi “Thiên tiên trắc giáng” (tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề “mẫu nghi thiên hạ”.

Thông báo được treo ở Phủ Tây Hồ

Trước đây, mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay ngày lễ chính của Phủ Tây Hồ, đây là một trong những địa điểm thu hút được nhiều du khách và người dân địa phương đến tham quan và dâng hương, dẫn đến cảnh khói hương nghi ngút, đốt vàng mã tràn lan. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, phối hợp giữa các bên, Phủ Tây Hồ đã không còn cảnh chèo kéo, chen lấn của hàng rong, các dịch vụ đổi tiền, viết sớ, bán đồ lễ tràn lan, người dân đến dâng hương không còn cảnh chen chúc nhau để chờ đốt vàng mã. Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ đã chủ động tuyên truyền, treo biển thông báo cho người dân và du khách thập phương được biết về những quy định cấm đốt vàng mã tại các di tích lịch sử, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các điểm văn hóa tâm linh.

Biển báo nhắc nhở người dân về việc dâng hương ở trong Phủ

Đây là một nét đổi mới rất văn minh trong nếp sống nơi đô thị. Mô hình này cần được nhân rộng tại các điểm du lịch tâm linh nói riêng và các điểm du lịch trên cả nước nói chung, nhằm góp phần giúp cho môi trường tại các di tích lịch sử ngày càng văn minh, xanh –sạch-đẹp hơn, giúp cho chính quyền địa phương cùng các ban, ngành chức năng quản lý được tốt hơn hoạt động của các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Việc công nhận cây di sản là việc làm thiết thực vừa thể hiện đạo lý nhớ nguồn của người Việt Nam, biết trân trọng quá khứ, nhất là những di sản của thiên nhiên và các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế; vừa góp phần giáo dục bảo vệ môi trường - vấn đề đang trở thành mối quan ngại của toàn nhân loại mà trong đó vai trò của từng người trong cộng đồng là hết sức cấp thiết.

Cây di sản Việt Nam được công nhận tại Phủ Tây Hồ

Thanh Hoan