Nữ giáo dân 25 năm tâm huyết với công tác đoàn thể
Ngày đăng: 16/06/2021Hàng chục năm gắn bó với công tác Hội phụ nữ cho đến khi thôi giữ các chức vụ, bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1964, ở thôn 6, xã Bình An, Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn luôn sống vẹn toàn đạo lý “Kính chúa, yêu nước”, là tấm gương tiêu biểu, thể hiện ở lòng nhiệt tình và tận tâm với các hoạt động của Hội phụ nữ cơ sở và các hội đoàn thể khác.
Cuộc đời trắc trở
Gần 60 tuổi, cái tuổi đáng lẽ đã nghỉ ngơi nhưng bà Thìn hàng ngày vẫn tất bật với công tác đoàn thể của thôn. Cũng chính vì vậy, mà khi bất kỳ ai về tới vùng quê này, hỏi thăm hay nhắc đến tên bà Thìn, những người dân Bình An hồ hởi nói về bà với sự nể phục, trân trọng.
Sinh năm 1964, với dáng người thấp bé, nhưng từ nhỏ, ở xứ đạo Hà Linh, (Hương khê), bà Nguyễn Thị Thìn đã luôn được nhiều người nhớ đến bởi đức tính siêng năng, hoạt bát và chịu khó. Năm tròn 19 tuổi, Bà kết hôn với ông Lê Tử Đức và chuyển về sinh sống tại giáo xứ Mỹ Lộc, xã Bình Lộc (nay là xã Bình An), huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc "ngắn chẳng tày gang", chỉ 6 năm sau, chồng của bà đột ngột qua đời vì bệnh. Kể từ ngày đó, người phụ nữ nhỏ nhắn, gầy yếu một thân một mình vật lộn với cuộc sống để thay chồng nuôi 2 con thơ dại trong căn nhà cũ xiêu vẹo. hớ lại những ngày tháng đã qua, Bà Thìn rơm rớm nước mắt: "Khoảng thời gian ấy, đã có những lúc tưởng chừng như tôi không còn đủ sức đứng dậy được nữa. Nhưng khi nhìn thấy 2 con thơ dại, tôi lại không đành bỏ cuộc. Đời cha mẹ chúng đã đói khổ rồi, nên tôi không thể để các con khổ, thất học được. Chính vì thế, tôi đã vực dậy, bươn chải đủ nghề để kiếm sống từ làm ruộng, nuôi lợn, nấu rượu, làm thuê... để có tiền trang trải cuộc sống".
Làm mẹ đơn thân với muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng chị Thìn luôn trân trọng cuộc sống. Chị cho biết, khi đến đường cùng, bất kỳ ai cũng phải tự vực dậy, tìm lối thoát, có khổ cực mới có ý chí, nghị lực để vươn lên. Từ những nỗ lực ấy của bàn thân, cuộc sống của người phụ nữ yếu ớt đã dần được đổi thay. Giờ đây, mẹ con chị đã có ngôi nhà khang trang, sạch sẽ. Công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng thuận lợi, cuộc sống của mẹ con chị cũng được đổi thay.
"Cũng may 2 chị em chúng chăm ngoan, hiếu thuận nên giờ cũng đã có công ăn việc làm, có cuộc sống gia đình ổn định khiến tôi cũng được an tâm…", chị Thìn mỉm cười.
Bà Thìn và các chị em trong chi hội thường xuyên quét dọn đường thôn xanh sạch đẹp. Ảnh: Trâm Anh
Tâm huyết với công tác đoàn thể
Những ngày tháng khó khăn, vất vả là vậy, thế nhưng ở bà vẫn rực lên ngọn lửa nhiệt huyết khi tham gia công tác hội đoàn thể, phong trào ở địa phương. Bắt đầu từ năm 1996, bà Thìn tham gia công tác y tế thôn bản; cộng tác viên dân số; chi hội trưởng hội phụ nữ thôn.
Thôn 6 là thôn giáo toàn tòng, cuộc sống người dân khó khăn nên hầu như chị em không tham gia sinh hoạt hội. Thế nhưng, bằng tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm tận tụy với việc xóm việc làng, bất luận nắng hay mưa, ngày hay đêm, người dân nơi đây đều rất quen thuộc bởi sự có mặt của người phụ nữ thấp bé mà kiên cường này. Chính vì nể phục, mến thương mà dần dần với vai trò động viên, tập hợp của chi hội trưởng Nguyễn Thị Thìn, tổ chức Hội phụ nữ thôn 6 ngày càng phát triển cả về quy mô, tổ chức cũng như chất lượng các phong trào hoạt động, được chị em tin tưởng và ủng hộ. Các phong trào của địa phương cũng được chị em phụ nữ tham gia nhiều hơn, tỷ lệ tập hợp hội viên đạt trên 90%.
Bà Thìn treo cờ Tổ quốc cho các ngày lễ lớn của dân tộc. Ảnh: Trâm Anh
Thay vì quanh quẩn với việc ruộng, việc bếp, phụ nữ nơi đây đã tiếp cận được nhiều hơn với những kiến thức phong phú về cuộc sống, dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc... Bà Thìn còn là chi hội trưởng nhiệt huyết với việc huy động vốn vay xoay vòng, hỗ trợ chị em phụ nữ thoát nghèo.
Từ chi hội hầu như bị bỏ trắng, không hoạt động nhưng sau 24 năm, dưới sự chỉ đạo điều hành của Bà Thìn, toàn chi hội Phụ nữ thôn 6, Bình An hiện có 198 hội viên, đều thuộc giáo xứ toàn tòng.
Hơn 24 năm dành trọn tâm huyết với hoạt động hội, đến tháng 1/2020, sau khi xã Bình An được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 02 xã Bình Lộc và An Lộc, dẫu vẫn còn nhận được sự tín nhiệm của hội viên và cấp trên nhưng bà Thìn vẫn quyết tâm lùi về "hậu phương", nhường chỗ cho những người trẻ.
Chị Lê Thị Vương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 6 cho biết, bằng uy tín, trách nhiệm, và sự nêu gương của chị, đã giúp chính quyền địa phương và Hội xã làm cầu nối trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là giáo dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tập hợp chị em phụ nữ xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh, thôn xóm văn minh thông qua các hoạt động có hiệu quả do Phụ nữ làm chủ như phong trào 5 không 3 sạch, chung tay Xây dựng nông thôn mới, xây dựng con đường tự quản, công trình Phụ nữ thôn đảm nhận… Đặc biệt dưới sự điều hành rất khoa học và nghiêm túc của chị, nguồn Quỹ vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn phát huy hiệu quả.
"Dù bây giờ đã "nghỉ hưu" thế nhưng bà vẫn luôn là "cố vấn" mỗi khi chị em trong thôn có vướng mắc, khó khăn. Bà còn là người thầy đặc biệt của tôi trong thực hiện nhiệm vụ hoạt động hội", chị Vương chia sẻ.
Nói về người hội viên mẫu mực của mình, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Hà Nguyễn Hà Lam bày tỏ: "Với bà Thìn, tôi có thể nói nể phục, ngưỡng mộ và trân quý. Khi còn là cán bộ hội, bà Thìn chính là tấm gương cả về nghị lực sống, đạo đức và tinh thần trách nhiệm cho chị em hội viên, cán bộ hội học hỏi; lúc trở thành hội viên bà Thìn là "hạt nhân" của phong trào, người giáo dân sống "tốt đời, đẹp đạo"".
Bà Thìn là cá nhân điển hình được Tỉnh ủy Hà Tĩnh vinh danh trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2017, ngoài ra, bà còn nhận được vô số bằng khen, giấy khen từ cấp tỉnh đến cơ sở./.
Nguồn: phunuvietnam.vn