Nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Khmer
Ngày đăng: 04/12/2020
Hiện nay, cả nước chỉ có hai bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, một ở Sóc Trăng và một ở Trà Vinh. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được xây dựng từ năm 1995 nằm trong quần thể khu di tích văn hóa cấp quốc gia Chùa Âng và thắng cảnh Ao Bà Om.

Với hàng trăm hiện vật được lưu giữ, đây không chỉ là niềm tự hào của người Trà Vinh mà còn là nơi gìn giữ và tôn vinh nét văn hóa nhiều thế hệ của hơn 1,5 triệu đồng bào Khmer Nam Bộ. Bảo tàng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống kết hợp với hiện đại bao gồm 2 tầng nhà trong 1 khuôn viên rợp bóng cây xanh. Nơi đây là địa chỉ bảo tồn rất nhiều hiện vật phản ánh về đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng cũng như người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bảo tàng gồm 4 phòng trưng bày với khoảng 800 hiện vật, tư liệu cổ, quý, được sưu tầm hoặc khai quật tại địa phương, được chia thành 4 chủ đề: Tôn giáo và tín ngưỡng của người Khmer, văn hóa cuộc sống đời thường, ngành nghề truyền thống của dân tộc Khmer và văn hóa nghệ thuật.

Phòng đầu trưng bày, giới thiệu về văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Trà Vinh, mà ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer chiếm vai trò chủ đạo, độc tôn ở vị trí trang trọng nhất, tái hiện một phần không gian ngôi chính điện chùa Phật giáo Nam Tông Khmer; ghế thuyết pháp lộng che khi vị sư cả tổ chức buổi thuyết pháp trong những dịp lễ hội; hình ảnh giới thiệu hệ thống 143 chùa Khmer ở Trà Vinh… Tại đây người xem có thể chiêm ngưỡng những hiện vật điêu khắc có giá trị và mang đậm dấu ấn của Phật giáo Bà la môn giáo như: Ngẫu tượng Linga Yoni, Mukhalinga, tượng thần Shilval, Vishunu, tượng Phật... có những hiện vật có niên đại trên 300 năm. 

Tiếp đó, phòng thứ 2 giới thiệu về văn hóa vật chất ăn, mặc, ở, lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật của đồng bào Khmer Trà Vinh. Các hiện vật là các loại nông cụ lao động của người Khmer như xa quạt nước, cày, bừa, trục, nọc cấy, vòng hái, phảng, cù nèo… trong sản xuất nông nghiệp; nôm, xà ngôm, xà neang, lọp, xà no… trong đánh bắt thủy sản và các sản phẩm gốm gia dụng…

Phòng 3 giới thiệu về các làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh như nghề dệt chiếu, điêu khắc gỗ, đan đát, cốm dẹp và nhiều nghề thủ công khác… Hiện vật trưng bày gồm hình ảnh và công cụ lao động như khung dệt vải, khu dệt chiếu; cối và chày giã cốm dẹp và các sản phẩm điêu khắc bằng gỗ, tre nứa, đan đát, các tác phẩm điêu khắc hội họa, tranh vẽ trên kiếng, trên vải… được chạm khắc, chế tác từ đôi bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân Khmer.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

 

Đặc biệt, phòng trưng bày chủ đề Văn hóa - Nghệ thuật của cộng đồng Khmer giới thiệu đến công chúng một kho tàng văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng được sáng tạo giữ gìn và lưu truyền đến ngày nay, tiêu biểu như: Hát dù kê, múa cổ điển cung đình Rô băm, múa trống chhay dăm, độc xướng Chầm riêng Chà pây, dàn nhạc ngũ âm của người Khmer, múa dân gian Khmer...

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đã góp phần gìn giữ và giới thiệu đến công chúng đầy đủ về đặc trưng đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer Trà Vinh nói riêng cũng như cộng đồng Khmer Nam Bộ nói chung với những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.

Các loại nông cụ lao động của người Khmer trong sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản được trưng bày tại Bảo tàng

 

Kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh đã trở thành một địa chỉ nghiên cứu văn hóa; địa chỉ trưng bày, giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer với cộng đồng các dân tộc anh em cả nước và các nước trên thế giới, đồng thời cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Đến Trà Vinh vào dịp lễ hội của đồng bào Khmer, ngoài tham quan Bảo tàng, du khách còn được thưởng thức những màn đua ghe ngo sôi nổi

 

 

Theo dantocvaphattrien.vn