Người Chăm An Giang nô nức đón chờ ngày hội lớn
Ngày đăng: 13/05/2021Còn không đầy 2 tuần nữa tới ngày hội lớn của toàn dân. Đây là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.
Người dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm An Giang có khoảng 12.000 người sống ở 4 huyện, thị xã trong tỉnh, bao gồm: huyện Châu Thành, Châu Phú, An Phú và TX. Tân Châu. Đồng bào DTTS Chăm An Giang sinh sống chủ yếu cặp trên các triền sông bằng nghề mua bán, làm ruộng rẫy. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS Chăm An Giang không ngừng được nâng lên, con em đồng bào DTTS Chăm ai cũng được đến trường, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã tham gia vào hệ thống chính trị tại các địa phương, cùng với người Kinh, Khmer và người Hoa chung tay xây dựng quê hương An Giang.
Năm nay, tháng chay Ramadal trùng với thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, vì vậy tại các xóm Chăm trong tỉnh, bà con về rất đông đủ, đây là điều kiện thuận lợi để bà con tham gia thực hiện quyền làm chủ của mình, đi bầu đông, bầu đủ, bầu đúng số lượng.
“Mỗi sáng, vào giờ phát thanh, tôi đều lắng nghe để suy nghĩ, chọn những người xứng đáng, đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước và địa phương. Tôi mong đến ngày 23-5 để được đi bầu, thực hiện quyền làm chủ của mình” - bà Sa Phi Nah (tổ 2, ấp Châu Giang, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ.
Cử tri người Chăm đến các điểm bỏ phiếu để xem danh sách cử tri
Gia đình bà Sa Phi Nah có 5 thành viên, sinh sống bằng nghề buôn bán, lần nào cũng vậy, hễ đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các thành viên trong gia đình của bà Sa Phi Nah đều đi bầu đông, đủ nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước. Bà Nah cho biết, thông qua cuộc bầu cử, bà được trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình...
Còn gia đình ông Ấp Đô Ha Mít, ngoài nghe tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên trên hệ thống loa truyền thanh, ông còn đến khu vực bỏ phiếu - gần nơi ông đang sống để đọc đi, đọc lại tiểu sử của từng ứng cử viên để có sự lựa chọn tốt nhất.
“Tiêu chuẩn của tôi chọn ứng cử viên để bỏ phiếu là chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, người có bản lĩnh và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền… Nếu đạt tiêu chuẩn này thì tôi sẽ bầu cho người đó” - ông Ấp Đô Ha Mít chia sẻ.
Cử tri người Chăm đọc tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Văn To cho biết, trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp lần này, xã Châu Phong có 9 đơn vị bầu cử, 17 điểm bỏ phiếu, trong đó cử tri đồng bào DTTS Chăm là 2.839 người, cử tri nam là 1.355 người và cử tri nữ là 1.484 người, đến nay công tác chuẩn bị cho bầu cử đã được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, đúng tiến độ mà Ủy ban bầu cử các cấp đã đề ra. Hiện nay, xã Châu Phong đang tiếp tục cho hệ thống truyền thanh tập trung tuyên truyền các thông báo và tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên, nhắc nhở bà con ngày 23-5 đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
“Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang đã thông báo đến Ban Quản trị các thánh đường trong tỉnh vận động đồng bào địa phương tích cực hưởng ứng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 bằng cách đi bầu đông, bầu đúng, bầu đủ số lượng, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19" - Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang Haji Jacky chia sẻ. |
Theo baoangiang.com.vn