Mùa Vu Lan 2022: Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động gần 10 tỷ đồng từ thiện xã hội; vắng cảnh chen chúc hóa vàng tại các chùa
Ngày đăng: 12/08/2022Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, Vu Lan vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm là một trong những ngày lễ quan trọng với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ.
Xuất phát từ tích ngài Mục Kiền Liên, một trong mười đệ tử của Phật đã nhờ sức sư tăng cùng chú nguyện để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở bổn phận làm con thực hành những việc hiếu nghĩa nhằm thể hiện tình cảm và lòng biết ơn công sinh dưỡng của cha mẹ.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang đậm nét nhân văn của người Việt Nam.
Mùa Vu Lan trở lại
Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hai mùa Vu Lan không có lễ bông hồng cài áo, không có cảnh tấp nập nơi cửa chùa ấm mùi khói hương, năm nay, lễ Vu lan Phật lịch 2566 - Dương lịch 2022 trở lại và mang đến cảm xúc đặc biệt, thiêng liêng hơn với nhiều gia đình, những người đã không may mất đi người thân trong đại dịch; thôi thúc mỗi cá nhân biết trân trọng hơn những gì đang có, và tâm nguyện chia sẻ nhiều hơn với những cảnh đời khốn khó xung quanh mình.
Lễ Vu Lan 2022 rơi vào thứ Sáu, ngày 12/8 dương lịch. Tại các tỉnh thành trong cả nước, ngay từ những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 dương lịch, không khí đón Vu Lan đã nhộn nhịp với các hoạt động tụng kinh Vu Lan, kinh Báo hiếu phụ mẫu, thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan - báo hiếu, cùng các nghi thức bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành, thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh Anh hùng liệt sỹ, cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì đại dịch Covid-19… Bên cạnh đó, tăng, ni, cư sĩ Phật tử và những người yêu mến đạo Phật phát tâm thực hành ăn chay, tích cực làm việc thiện, phóng sinh, hạn chế đốt vàng mã.
Lễ Vu Lan tại chùa Hang, Hải Phòng ngày 31/7/2022
Vu Lan 2022 và câu chuyện đốt vàng mã
Cũng là dịp Vu Lan những năm trước đây, từng có thời gian báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ nhiều hình ảnh chen chúc hóa vàng tại các đền, chùa, di tích. Theo con số thống kê trên nhiều diễn đàn, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng, chủ yếu tại các lễ hội, dịp Rằm tháng Giêng và tháng Bảy. Việc tiêu thụ vàng mã với số lượng lớn như vậy không chỉ gây lãng phí tài sản xã hội, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn phòng, chống cháy nổ và gây ô nhiễm không khí, môi trường.
Vì lẽ đó, từ năm 2018, GHPGVN đã có văn bản đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, qua đó giảm thiểu số lượng lớn vàng mã bị đốt mỗi năm tại các chùa. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa tại các địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở Ban Quản lý các di tích, Ban Quản lý lễ hội, các đền, chùa phải thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, vận động người dân đi lễ văn minh, đốt vàng mã đúng nơi quy định.
Năm nay, Hội đồng Trị sự GHPGVN tiếp tục có Thông bạch số 317/TB-HĐTS hướng dẫn các ban, viện Trung ương, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố và tăng, ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử có những hoạt động cụ thể trong dịp lễ Vu Lan.
Tại Thông bạch, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN lưu ý các tự viện, cơ sở thờ tự Phật giáo tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống của Phật giáo trong khâu tổ chức mua sắm lễ; không đốt nhiều vàng mã. Thay vào đó, nên thực hiện các việc làm từ thiện, thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên, cha mẹ.
Thông bạch số 317/TB-HĐTS do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký
Cùng với GHPGVN, tại nhiều địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng ban hành hướng dẫn về công tác trong dịp lễ Vu Lan, nhằm thống nhất với Ban Trị sự Phật giáo địa phương về cách thức, phương pháp tổ chức các hoạt động nhân mùa Vu Lan phù hợp với truyền thống Phật giáo, bảo đảm tuân thủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố, hướng dẫn của Bộ Y tế, Hội đồng Trị sự GHPGVN; hướng dẫn tăng, ni, chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn trong công tác tổ chức hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ các gia đình khó khăn, trường hợp neo đơn, cơ nhỡ, mồ côi... trong cộng đồng và địa phương; đề nghị chức sắc, tăng ni hướng dẫn tín đồ, Phật tử, du khách thập phương có hành vi văn minh, lịch sự trong văn hóa ứng xử, trang phục, sử dụng đồng tiền phù hợp văn hóa, đúng luật, không lạm dụng vàng mã, đồ mã trong các nghi lễ Phật giáo, tín ngưỡng; hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng bói toán, xin xăm, quẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác tại cơ sở tự viện.
Công an các địa phương cũng khuyến nghị các cơ sở kinh doanh vàng mã chấp hành nghiêm túc quy định về phòng cháy, chữa cháy, không được để vàng mã gần các nguồn nhiệt như bếp ga, máy vi tính, bóng đèn…, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với người dân, hộ gia đình, ngành Công an cũng đưa ra khuyến cáo đối với việc đốt vàng mã và thắp hương tại căn hộ, nhà chung cư trong mùa lễ Vu Lan, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Những khuyến cáo của lực lượng chức năng là cần thiết, bởi chúng ta hẳn chưa quên hậu quả của những vụ hỏa hoạn do hóa vàng cúng dịp Rằm tháng Bảy gây ra. Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn vừa xảy ra trưa 09/8 tại nhà dân ở ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội xuất phát từ nguyên nhân chủ nhà hóa vàng nhưng quên đổ tàn, lửa đã bén sang các vật liệu khác gây cháy. Tại thời điểm bị cháy, trong nhà có 2 trẻ nhỏ nhưng đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn.
Đốt vàng mã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy
Tại các làng nghề sản xuất vàng mã ở phía Bắc, như làng Song Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và làng Phúc Am (huyện Thường Tín, Hà Nội) năm nay cũng ghi nhận không khí nhộn nhịp sản xuất, sau hai năm đìu hiu vì dịch bệnh. Mặc dù vậy, nhiều chủ cửa hàng tại đây cho hay, các mặt hàng bán được nhiều là những đồ mã lớn, chủ yếu phục vụ khách hàng đi đền, phủ, miếu, cơ sở tín ngưỡng tại các tỉnh, thành phía Bắc; ngược lại, doanh số mặt hàng vàng mã truyền thống có xu hướng giảm.
Cũng tại Thường Tín, Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết, từ quy mô gần 200 hộ sinh sống bằng nghề sản xuất vàng mã, nay làng nghề Phúc Am chỉ còn lại 30 hộ bám trụ với nghề. Một số hộ chuyển sang buôn bán gạo, hoa quả, hoặc làm việc cho công ty, doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Mặt bằng đời sống của các hộ gia đình nơi đây ổn định và sung túc hơn. Nhưng điều quan trọng là họ đã thay đổi nhận thức, chủ động chuyển đổi nghề nghiệp không còn phù hợp với thị trường nữa.
Quan sát tại một số chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khó để nhận thấy, cảnh chen chúc hóa vàng tại các chùa dịp Vu Lan năm nay đã không còn tái diễn. Thay vào đó, người dân đến chùa làm lễ, vãn cảnh và tham gia các nghi thức bông hồng cài áo, tụng kinh, cầu siêu mùa Vu Lan trong không khí trang nghiêm, thành kính.
Người dân đến chùa dịp lễ Vu Lan 2022
Phật giáo triển khai gần 10 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện - xã hội
Theo thống kê của Ban Từ thiện - Xã hội trung ương GHPGVN, chỉ trong hai tuần đầu tháng 8, Phật giáo các tỉnh, thành phố đã vận động, tổ chức trao tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại nhiều địa phương: Phật giáo quận Hoàng Mai, Hà Nội trao 600 triệu đồng hỗ trợ quỹ xây dựng nhà Đại đoàn kết, Phật giáo Lạng Sơn phối hợp Sở Nội vụ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh bàn giao nhà cho người nghèo trị giá gần 300 triệu đồng, Phật giáo Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bàn giao nhà trị giá 200 triệu đồng; khánh thành cầu giao thông nông thôn tại Bến Tre và Vĩnh Long trị giá 350 triệu đồng; hàng chục chương trình trao quà, tặng nhu yếu phẩm, hỗ trợ học bổng cho trẻ em, người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện ... được triển khai, trong tổng số gần 10 tỷ đồng kinh phí của các hoạt động từ thiện - xã hội trong mùa Vu Lan năm nay, và chưa dừng lại ở con số đó.
Phật giáo TP.Biên Hòa trao 60 suất học bổng cho con em người mù tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa trong mùa Vu Lan 2022
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tiếp nhận kinh phí ủng hộ 600 triệu đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết từ Ban Trị sự Phật giáo quận Hoàng Mai, ngày 09/8/2022
Có được nguồn lực triển khai nhiều chương trình từ thiện - xã hội như vậy, không chỉ trông cậy vào các mạnh thường quân ủng hộ số tiền lớn, mà còn ghi nhận từ việc Ban Trị sự các địa phương, trụ trì cơ sở tự viện Phật giáo đã tích cực vận động, hướng dẫn Phật tử, nhân dân thực hành các hạnh chia sẻ, từ bi, bác ái của Phật giáo bằng hành động thiết thực, ý nghĩa; chức sắc, tăng, ni đã lồng ghép những bài giảng về lối sống lành mạnh, tiết kiệm, thân thiện với thiên nhiên, môi trường, hạn chế đốt vàng mã, khuyến khích người dân, Phật tử dành tiền mua vàng mã để đóng góp cho hoạt động từ thiện với phương châm “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong nhận thức của người dân, Phật tử đối với việc sử dụng vàng mã tại các hộ gia đình và cơ sở, tự viện Phật giáo.
Mỗi mùa Vu Lan là dịp nhắc nhở những người con ở khắp các vùng, miền quê trên đất nước Việt Nam, hãy luôn sống sao cho vẹn tròn hiếu hạnh, luôn nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, đó cũng là biểu hiện cho phẩm hạnh đạo đức của mỗi người. Không nên đốt vàng mã, cũng đừng sắm cỗ to, thay vào đó, báo đáp, tri ân đấng sinh thành, thực hành hạnh từ bi, bác ái đến cộng đồng bằng những việc làm chân thành, thiết thực trong dịp lễ Vu Lan là những hành động được Phật giáo khuyến khích, phù hợp với các giá trị nhân văn của người Việt và góp phần phát triển xã hội văn minh, an toàn, tiến bộ và lợi lạc cho mọi người./.
Vỹ Thanh