Huyện Thạch Hà và Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ hội đền Lê Khôi
Ngày đăng: 02/06/2022
Trong ba ngày 30/5-1/6/2022, (tức ngày 1- 3 tháng 5 âm lịch), huyện Thạch Hà và Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Lễ hội Đền Lê Khôi năm 2022 nhân kỷ niệm 576 năm ngày mất của Đức Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi.

Lãnh đạo chính quyền các cấp tham dự lễ hội đền Lê Khôi

 Tham dự có ông  Hà Văn Trọng Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy, Hà Văn Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh cùng hàng nghìn du khách thập phương về dâng hương, dự Lễ.

Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi là một trong ba lễ hội của Hà Tĩnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (cùng với Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn). Lễ hội này được tổ chức theo thông lệ truyền thống, từ ngày 1 đến ngày 3/5 âm lịch hằng năm, đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của Đại vương Lê Khôi nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Lê Khôi trong việc chống giặc ngoại xâm đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Lê Khôi thụy là Võ Mục, quê ở làng Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, Lê Khôi đã sớm ý thức được lòng yêu nước khi tham gia cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Trong các trận đánh Khả Lưu, Xương Giang, ông cùng với tướng lĩnh đã bắt sống tướng Đô Ty, Chu Kiệt, chém tướng Hoàng Thanh và đánh cho viên tướng Thôi Tụ, thượng thư Hoàng Phúc khiếp đảm.

Năm 1446, Lê Khôi đem quân đi dẹp loạn. Đại quân của ông đi đến đâu chiến thắng đến đó. Nhưng trên đường trở về, ông lâm bệnh nặng rồi mất tại chân núi Long Ngâm, thuộc xã Thạch Bàn. Biết tin, triều đình nhà Lê đã làm lễ quốc tang, bãi triều 3 ngày và an táng thi hài ông rồi cho lập đền thờ tại Núi Long Ngâm, cửa biển Nam Giới xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Năm 148, Lê Khôi được vua Lê Thánh Tông tặng phong là Chiêu Trưng Đại Vương. Đền Lê Khôi gồm 3 tòa được xây dựng năm Đinh Mão (1477). Đến nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền vẫn giữ được cốt cách, dáng vẻ ban đầu.

Lễ rước tổ chức lễ hội đền Lê Khôi

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà đã phối hợp tổ chức Lễ giỗ của ông với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được người dân trong vùng lưu truyền hàng trăm năm qua.

Lễ hội gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ sái tạo sửa soạn đồ đạc trong đền trước ngày tế lễ; lễ rước chân hương từ các đền thờ vọng đến đền chính với hai con đường. Đoàn từ Mai Phụ, Thạch Kim (huyện Lộc Hà) rước xuống thuyền sang đền chính. Đoàn rước xã Thạch Hải, Thạch Trị (huyện Thạch Hà) đi bằng đường bộ. Tiếp theo lễ rước là lễ tế với những nét rất cổ truyền của dân tộc như khai trống, dâng hương, tấu trình văn tế ôn lại thân thế, cuộc đời của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi… Sau đó là lễ rước Lư hương và đồ tế khí trở về các đền vọng và tổ chức lễ cúng tại các đền vọng ở các xã: Mai Phụ, Thạch Kim, Thạch Hải, Thạch Trị (huyện Thạch Hà). Phần hội gồm có những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Hội thả hoa đăng, hội đua thuyền, thi thả diều, đi cà kheo, ngâm thơ, cờ tướng, bóng chuyền, kéo co, chương trình nghệ thuật…

Lễ giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, một vị tướng tài ba của dân tộc, người có công lớn giúp vua Lê đánh giặc giữ nước. Thông qua hoạt động lễ hội để tuyên truyền, giáo dục về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Qua đó, góp phần duy trì lễ hội truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tiếp tục củng cố khối đoàn kết thống nhất của Nhân dân trong vùng./.

 

Lê Huyền