Cử hành lễ giỗ vua Mai Hắc Đế
Ngày đăng: 26/02/2021
Ngày 24/02 (13 tháng Giêng âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa đền thờ vua Mai Hắc Đế, chính quyền địa phương và nhân dân xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã cử hành lễ giỗ vua Mai Hắc Đế.

Lễ giỗ diễn ra trang nghiêm với nghi thức truyền thống của địa phương nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân, biết ơn đối với vua Mai Hắc Đế.

Theo sử sách, Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan (quê ở xã Mai Phụ). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, Mai Thúc Loan đã sớm nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm Hoàng đế.

Đến năm 722, quân Đường quay trở lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, bị vây hãm, Mai Hắc Đế rút vào rừng, sau đó bị ốm rồi mất. Thân thế và sự nghiệp của Mai Hắc Đế đã viết nên trang sử nối tiếp truyền thống hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Để đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19, lễ giỗ năm nay được tổ chức tinh gọn, không tổ chức phần hội và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Bánh chưng nấu xong được xã Mai Phụ dán nhãn ở mặt chính, ghi năm tổ chức lễ giỗ để cung tiến

Những năm trước, tất cả các thôn trong xã Mai Phụ đều tổ chức gói bánh chưng tập trung với số lượng gần 2.000 chiếc. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, chính quyền hạn chế tụ tập đông người, chỉ cử thôn Mai Lâm gói 120 chiếc bánh để cúng.

Lễ giỗ do UBND xã Mai Phụ và Ban lễ nghi đền vua Mai phối hợp tổ chức. Mâm cỗ cúng gồm bánh chưng, thịt lợn, cơm, gà luộc... Lễ giỗ có nhiều nghi thức như dâng hương, tiến tỉu, đọc chúc văn, đốt đèn, hóa chúc văn. Những người làm lễ được gọi là Tế chủ, Bồi tế, Phụ tế...

Các hoạt động năm nay diễn ra từ ngày 22 đến 24/02. Lễ vật sau lễ cúng được phát cho người dân để hưởng lộc./.

Theo vnexpress.net