Phật giáo đồng hành cùng Festival Huế 2018
Ngày đăng: 02/05/2018
Tại Festival Huế 2018, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình nghệ thuật âm nhạc và múa Phật giáo với chủ đề "Tỏa sáng niềm tin".

Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2018, công tác xã hội hóa cho Festival Huế đang được địa phương khuyến khích, chú trọng để tăng nguồn lực cho lễ hội, đồng thời giảm nguồn chi từ ngân sách.

Điểm mới trong công tác xã hội hóa Festival Huế năm nay là ngoài những tài trợ chung, nhiều đơn vị còn nhận tài trợ riêng cho từng chương trình nghệ thuật. Nổi bật, ngoài chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn được gia đình cố nhạc sĩ tài trợ toàn bộ kinh phí tổ chức và chương trình lễ hội áo dài do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tài trợ, còn có chương trình "Tỏa sáng niềm tin" do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện.

Ấn tượng chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin"

Diễn ra ngày 1/5, chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin", một trong những chương trình nghệ thuật chính của lễ hội được xã hội hóa 100%, để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng và du khách.

Đáng chú ý, với lịch sử lâu đời của một Trung tâm Phật giáo của cả nước, Huế hiện vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa Phật giáo cần được bảo tồn và phát huy qua các kỳ lễ hội. Còn nhớ, Festival Huế 2016 có "Lễ hội Quảng Chiếu", với các nghi lễ tâm linh hòa quyện trong biểu diễn nghệ thuật, chương trình đã mang lại thành công nhất định. Theo đánh giá, đây là chương trình nghệ thuật chính có chất lượng cao, độc đáo, hoành tráng đã diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm tại Festival Huế 2016.

Tại Festival Huế 2018, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình nghệ thuật âm nhạc và múa Phật giáo với chủ đề "Tỏa sáng niềm tin". Không gian của lễ hội được tổ chức trong công viên cầu Dã Viên, ven sông Hương. Sân khấu chính là công viên cầu Dã Viên có các tiết mục hát múa "Dòng máu Lạc Hồng" của Lê Quang và "Việt Nam gấm hoa" của Minh Châu; hát "Từ Đàm quê hương tôi" của Nguyên Thông; các điệu hò mái nhì - Nam Bình... Cùng các nghi lễ tâm linh diễn ra để cầu nguyện quốc thái dân an; cúng sinh an lạc, đạo pháp trường tồn.

Khoảng 30.000 ngọn hoa đăng được thả xuống dòng Hương Giang. Nghi lễ truyền đăng và thả hoa đăng trên sông Hương diễn ra theo nghi thức truyền thống của Phật giáo. Đặc biệt, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng, trên tay mỗi người cầm một cây đèn hoa đăng và truyền ngọn đèn cho tất cả mọi người và thả trên dòng sông Hương để cầu nguyện cho đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới hòa bình.

Theo Hòa thượng Thích Đức Thanh, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế: Lễ hội hoa đăng có truyền thống văn hóa lâu đời của Phật giáo và dân tộc Việt Nam, tôn vinh những giá trị tinh thần, tâm linh và đạo đức. Nghi lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, nhà nhà ấm no hạnh phúc hòa quyện biểu diễn nghệ thuật thả hoa đăng được thể hiện qua lễ hội tâm linh này bằng vào năng lực niềm tin lan tỏa niềm tin, sống tốt đời đẹp đạo, cùng nhau xây dựng quê hương tươi đẹp phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; thiết tha cầu nguyện cho nhân loại trên khắp thế giới có hạnh phúc, có tình thương và hòa bình.

Tỏa sáng niềm tin cũng là sự trở về cội nguồn dân tộc, bảo vệ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc và hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là toàn bộ nội dung chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin" muốn hướng tới.

Trong khuôn khổ của chương trình "Tỏa sáng niềm tin", Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức các hoạt động để kỷ niệm "25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh và 15 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể".

Triển lãm với chuyên đề "Di sản văn hóa Phật giáo"

Cùng với chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin" là Triển lãm với chuyên đề "Di sản văn hóa Phật giáo" tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế kéo dài đến 2/5. Triển lãm giới thiệu đến công chúng và du khách thập phương 40 tác phẩm điêu khắc tượng Phật bằng các chất liệu đá, đồng, gỗ, gốm sứ; cùng với 30 pháp khí, pháp phục bằng các chất liệu quý và các pháp bảo là kinh sách được khắc trên cẩm thạch.

Thông qua hình tượng Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Di Lặc, Đức Bồ Tát Quán Thế Âm… cùng các pháp khí, pháp phục của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 20 cho thấy sự đa dạng và phong phú của các loại hình di sản văn hóa vật thể liên quan đến đạo Phật. Trong đó có nhiều tác phẩm điêu khắc cổ có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật góp phần làm nổi bật giá trị, tư tưởng của Phật giáo Việt Nam và một số nước trong khu vực Châu Á.

Đáng chú ý, các bức tượng Phật A Di Đà bằng gỗ từ thế kỷ 18 có xuất xứ từ Nhật Bản và các bình sứ men màu có niên đại từ thế kỷ 18 và 19; Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng gốm men trắng từ thế kỷ 13 thuộc Mỹ thuật cổ Phật giáo Trung Quốc; Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng gỗ có niên đại thế kỷ 18 từ Nhật Bản; Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được làm từ thế kỷ 18; Cây phất trần làm bằng gỗ và lông đuôi ngựa từ thế kỷ 19 và các pháp khí; Kinh sách (Ngự chế Phật thuyết Tứ đế kinh) khắc trên cẩm thạch vào thế kỷ 19; Tượng voi trắng bằng gốm men màu của Việt Nam làm từ thế kỷ 19; Khánh và chuông đồng của Việt Nam từ thế kỷ 19...

Ngoài ra, tại Festival kỳ này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế còn thiết kế, trang trí các logo trên các trục đường trung tâm thành phố Huế và cầu Trường Tiền nhằm quảng bá hình ảnh đến với người dân xứ Huế và du khách thập phương. Một điều dễ nhận thấy là biểu tượng chuyển pháp luân, hoa sen, hoa văn trống đồng, ngũ sắc cờ Phật giáo giữ vai trò chủ đạo trong việc trang trí lễ đài, sân khấu và các logo trang hoàng đường phố. Đường Lê Lợi (từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên) sắp đặt nhiều logo Phật giáo có in Pháp cú song ngữ Anh - Việt, tại cầu Trường Tiền trang trí 60 cánh hoa sen theo thứ tự màu cờ Phật giáo in chữ "Phật giáo Thừa Thiên Huế - Đồng hành cùng dân tộc".

Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản", Festival Huế lần thứ X diễn ra từ ngày 27/4 - 2/5/2018. Festival Huế lần thứ X - 2018 là sự kế thừa và khẳng định sự thành công của các kỳ Festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hoá khác nhau trên thế giới; trong đó, tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế. Festival Huế 2018 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ, hấp dẫn mang đến cho du khách gần xa nhiều khám phá và trải nghiệm...

Theo: baotintuc.vn (TTXVN)