Những cột mốc tâm linh chủ quyền của Tổ quốc ở Trường Sa
Ngày đăng: 17/10/2020


Giữa biển khơi, những ngôi chùa ở các hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là những địa điểm linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển đảo.



 


Giữa biển khơi, những ngôi chùa ở các hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là những địa điểm linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển đảo. Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có văn hóa tâm linh. Không chỉ là những cột mốc khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa tại đây còn là địa chỉ không thể thiếu của ngư dân trong những chuyến đánh bắt ngoài khơi xa, cũng như quân và dân trên các hòn đảo này. 

Trong không gian tĩnh mịch của biển trong một sớm bình minh, tiếng chuông chùa vang lên và ngân xa hòa cùng tiếng sóng biển hiền hòa khiến đảo Song Tử Tây như một làng quê yên bình trong đất liền. Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong toàn quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút. Chùa có tam điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ.

"Chùa Song Tử Tây là chỗ dựa tinh thần và tâm linh của bà con ở đây nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, vào lễ chùa, ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản"- Đại đức Thích Thượng Đạt, Trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết. 

Những ngôi chùa ở đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh dù quay về hướng nào cũng đều hướng ra biển Đông và đón được tia nắng sớm nhất lúc bình minh. Chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển, đảo từ xa xưa. Anh Võ Thanh Hòa, người dân trên đảo Sinh Tồn cho biết, ở cạnh ngôi chùa Sinh Tồn cổ kính, không chỉ ngày lễ, Tết mà ngày nào anh cũng lên chùa thắp hương cầu cho mưa thuận gió hòa. 

Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn.

"Thường thường mỗi sáng, chiều tôi đều lên chùa thắp hương cầu mong cho các cán bộ chiến sĩ và người dân ở đảo mạnh khỏe"- anh Võ Thanh Hòa chia sẻ.

Anh Phan Văn Minh, trạm viên Trạm Hải đăng Sơn Ca chia sẻ: Nơi đảo xa, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề nhưng hàng ngày người dân trên đảo vẫn nghe thấy tiếng chuông ngân vang. Giữa muôn trùng sóng gió, nghe một câu kinh cầu nguyện giúp cho hàng trăm ngư dân trên đảo thấy yên lòng.

"Ngày Rằm và mùng 1, tôi vẫn lên chùa thắp hương cầu cho gia đình và mọi người khỏe mạnh, thấy nhẹ nhàng, thanh tịnh"- anh Minh nói.

Đại đức Thích Nguyên Hòa - người đã tình nguyện ra trụ trì các chùa ở Trường Sa 6 năm qua chia sẻ: Ở đảo, người dân vẫn giữ nếp truyền thống ngày rằm, đầu tháng là đi chùa lễ Phật, nghe giảng đạo pháp, còn những ngày thường, họ đến phụ quét dọn nhà chùa. Ngư dân mỗi khi có dịp vào đảo cũng dành thời gian vào chùa lễ Phật cầu an. Mỗi khi tụng kinh niệm phật, Đại đức Thích Nguyên Hòa luôn cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho cán bộ chiến sĩ trên đảo có sức khỏe dẻo dai, bà con đi biển yên lành, làm ăn thuận buồm xuôi gió bởi sóng gió biển khơi khó lường.

"Chùa Sơn Linh là sự linh thiêng, từ cán bộ chiến sĩ và người dân, ngư dân đánh bắt có chuyện gì, vào lễ chùa  - nơi linh thiêng sẽ thấy lòng thanh tịnh, nhẹ nhàng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ"- Đại đức Thích Nguyên Hòa cho biết. 

Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển, đảo từ xa xưa. Chùa ở Trường Sa thể hiện nét văn hóa với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vùng biển, đảo Trường Sa./.

 

Theo VOV.vn