Người Công giáo Hà Nam tích cực thi đua yêu nước
Ngày đăng: 11/09/2018Với trên 112.000 người Công giáo, chiếm hơn 13,5% dân số của tỉnh, đồng bào Công giáo Hà Nam luôn đoàn kết gắn bó cùng nhân dân trong tỉnh thực hiện các chính sách của Nhà nước, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Các xứ, họ đạo đã cụ thể hóa phong trào bằng những việc làm cụ thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều gia đình giáo dân đã tình nguyện hiến đất, di dời công trình xây dựng để mở rộng đường giao thông, tiểu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Xuân Tường ở giáo xứ Sở Kiện - xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm; Đại Phú (huyện Kim Bảng), Kim Thanh (Tp.Phủ Lý)… Tính chung trong toàn tỉnh, đồng bào Công giáo đã hiến khoảng 1.500m2 đất thổ cư làm đường giao thông, 17.000m2 đất nông nghiệp làm kênh mương, giao thông nội đồng, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến hết năm 2016, 100% số xã trong tỉnh đã đạt từ 16 tiêu chí nông thôn mới trở lên, trong đó có 58 xã đạt đích nông thôn mới.
Để xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế các hộ giáo dân còn tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị các ngành công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp của người Công giáo đã hoạt động ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều người tại địa phương, như các doanh nghiệp: Minh Khôi (thành phố Phủ Lý), Mỹ Đà (huyện Lý Nhân)…
Nét đẹp trong phát triển kinh tế, là người Công giáo luôn biết chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau về vốn, kỹ thuật để nhân lên kinh nghiệm của một người thành cách làm hay cho nhiều người. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 7% (năm 2010) xuống 2,5% (năm 2016); năm 2017 còn 2%.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giáo dân còn phát huy giá trị đạo đức, bác ái của Công giáo để nhân lên những mô hình gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; gia đình Công giáo gương mẫu; khu dân cư không có tệ nạn xã hội; đồng thời tích cực hưởng ứng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội. Đa phần các giáo xứ đã có quỹ Khuyến học hoạt động hiệu quả. Hằng năm, vào dịp đầu năm học, linh mục quản xứ thường tổ chức thánh lễ khai giảng năm học mới để khích lệ các em vươn lên học hành tấn tới, trao tặng phần thưởng cho các em khó khăn học giỏi. Đến nay, 90% con em giáo dân trong độ tuổi học trung học phổ thông, 50- 60% các em thi đỗ đại học, cao đẳng. Tính chung trong 6 năm qua, đồng bào Công giáo đã tham gia hoạt động khuyến học với số tiền hàng trăm triệu đồng; cùng nhân dân trong tỉnh ủng hộ gần 1 tỷ đồng vào quỹ chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ 126 gia đình chính sách với số tiền 630 triệu đồng… Hàng năm, tỷ lệ gia đình Công giáo được công nhận gia đình văn hóa đều tăng. Cụ thể năm 2010, tỷ lệ gia đình văn hóa là 72%, năm 2016 là 82,55%. Số làng văn hóa có đông giáo dân sinh sống năm 2010 là 156 làng, đến cuối năm 2016 là 439 làng; năm 2017, số gia đình người Công giáo được công nhận gia đình văn hoá đạt 85%, số làng văn hoá đạt trên 80%.
Ông Đoàn Đức Thuận, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam cho biết: Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của giáo dân đã khởi sắc rõ nét, bộ mặt xứ, họ đạo ngày càng khang trang, an ninh trật tự tại địa bàn được đảm bảo. Trong thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” về các xứ, họ đạo, góp phần cùng nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh./.
Theo ubdkcgvn.org.vn