Ngăn ngừa hành vi phản cảm tại lễ hội Xuân 2018
Ngày đăng: 09/02/2018
Mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 đang đến gần, làm gì để gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa, bảo đảm văn minh, lành mạnh và ngăn chặn những hành vi phản cảm? Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang (VH, TT&DL) Trần Minh Hà đã có trao đổi về nội dung này.

Sau Tết Nguyên đán là bước vào mùa lễ hội. Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý lễ hội tại Bắc Giang những năm gần đây? 

Nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã từng bước đi vào nền nếp, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán địa phương. Các địa phương cơ bản thực hiện nghiêm các quy định, có sự tham gia chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân. Do vậy, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính; phần hội phong phú, đa dạng, vui tươi, lành mạnh. Ý thức của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương quan tâm phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường khi tổ chức lễ hội, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa. 

Tuy vậy, có thể thấy bên cạnh những chuyển biến tích cực vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Tình trạng bày bán đồ chơi có tính chất kích động bạo lực, ấn phẩm văn hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nội dung mê tín dị đoan; hiện tượng ăn xin, ăn mày, hát quan họ xin tiền, sử dụng âm thanh công suất lớn, không niêm yết giá gửi xe và nâng giá vé không đúng quy định còn diễn ra tại một số lễ hội... 

 

“Để bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh, Sở VH, TT&DL Bắc Giang  chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm; kiên quyết không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình và các hành vi phản cảm khác. Hàng năm đưa kết quả công tác quản lý lễ hội là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại đối với phòng văn hóa và thông tin, ban quản lý di tích các huyện, TP”. 


Ông Trần Minh Hà

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Sở VH, TT&DL Bắc Giang có biện pháp nào để bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh?

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý, tổ chức lễ hội. Đồng thời thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương nhất là lực lượng công an, quản lý thị trường, y tế… trong xử lý các tiêu cực, kiên quyết không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình và các hành vi phản cảm khác. Hằng năm đưa kết quả công tác quản lý lễ hội là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại đối với phòng văn hóa và thông tin, ban quản lý di tích các huyện, TP.

Được biết năm nay các quy định về quản lý lễ hội có một số điểm mới, vậy những điểm mới đó là gì thưa ông?

Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018 thay thế cho Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 có một số điểm mới. Cụ thể: Các lễ hội tín ngưỡng được tổ chức lần đầu, được khôi phục lại hoặc có sự thay đổi về quy mô, nội dung, thời gian, địa điểm thay vì phải “xin phép” bằng văn bản thì nay chỉ cần gửi văn bản đăng ký đến UBND tỉnh. Chậm nhất 20 ngày sau khi kết thúc lễ hội, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về khoản thu, mục đích sử dụng khoản thu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là nội dung quan trọng nhằm giám sát chặt chẽ việc thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch. 

Thực tế việc xử lý các vi phạm trong lễ hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nguyên nhân do đâu thưa ông? Để khắc phục, ngành đã đề ra giải pháp nào?

Hiện nay, chế tài để xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội còn thiếu, chưa đầy đủ, hoặc mức xử phạt thấp chưa đủ sức răn đe. Hạn chế này là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý nhà nước về lễ hội trong thời gian qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ví dụ một số hành vi như: Đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, ăn mặc phản cảm, hở hang tại di tích… không có chế tài để xử lý. Có quy định chưa phù hợp với thực tế, ví dụ: Nghị định số 158 ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; trên thực tế, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng rất khó chứng minh được họ trục lợi để xử lý. 

Bắc Giang có nhiều lễ hội, chủ yếu ở các làng, xã và tập trung trong ba tháng đầu xuân. Trong khi đó lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lễ hội còn mỏng nên mới kiểm tra ở lễ hội lớn mà chưa kiểm tra lễ hội làng. Công tác phối hợp kiểm tra giữa các ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ... 

Để khắc phục, ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời sẽ tích cực hơn trong việc phối hợp với các ngành, địa phương để kiểm tra xử lý vi phạm.

Xin cảm ơn ông !

Theo Báo Bắc Giang