Tòa án Tối cao Ấn Độ phán quyết bức điêu khắc cổ trong Đền thờ Hindu là tượng Phật
Ngày đăng: 17/08/2022
(Ảnh: liveaw.in)
Tòa án Tối cao Madras ở Ấn Độ đã ra phán quyết rằng một địa điểm tôn giáo ở bang Tamil Nadu vốn đã được sử dụng như một ngôi đền Hindu có chứa một bức tượng cổ có nguồn gốc Phật giáo, đồng thời ra lệnh đình chỉ các hoạt động tôn giáo tại địa điểm này.

Phán quyết này được đánh giá là bất thường và có thể tạo tiền lệ pháp lý tiềm ẩn cho việc xác định nguồn gốc lịch sử của các địa điểm thờ tự ở Ấn Độ. 

Một cuộc điều tra khảo cổ học về Đền Thalavetti Muniyappan ở Salem, thành phố lớn thứ tư ở Tamil Nadu, đã tiết lộ rằng bức tượng được thờ như một vị thần của làng Hindu, ban đầu là một tác phẩm điêu khắc về Đức Phật. Do đó, tòa án đã chỉ thị cho Cục Khảo cổ học bang Tamil Nadu kiểm soát địa điểm và đình chỉ bất kỳ hoạt động tôn giáo nào trong khuôn viên ngôi đền.

Thẩm phán Anand Venkatesh nhận xét: "Sau khi kiểm tra tác phẩm điêu khắc và xem xét cẩn thận các bằng chứng về khảo cổ và lịch sử theo yêu cầu của chúng tôi, tập thể ủy ban đã bày tỏ ý kiến ​​của họ rằng tác phẩm điêu khắc mô tả một số dấu ấn lớn của Đức Phật". 

Vị thẩm phán đã chỉ đạo bộ phận khảo cổ dựng một tấm biển bên trong khuôn viên ngôi đền để giải thích rằng tác phẩm điêu khắc bên trong là tượng trưng cho Đức Phật. Tòa án cũng phán quyết rằng mặc dù công chúng vẫn có thể đến thăm ngôi đền, nhưng không được tiến hành nghi lễ thờ cúng của đạo Hindu hoặc các hoạt động tôn giáo khác. Thẩm phán Anand Venkatesh cũng yêu cầu chính quyền khu vực khôi phục đất của ngôi đền cho Quỹ Phật giáo ở Salem.

Người khởi kiện ban đầu đưa vụ kiện ra trước tòa vào năm 2011, P. Ranganathan (hiện đã qua đời), khẳng định rằng bản thân ngôi đền ban đầu được thiết lập để thờ kính Đức Phật, nhưng trong thời gian nhiều năm, bức tượng đã được chuyển đổi thành vị thần địa phương và ngôi đền đã được cộng đồng người theo đạo Hindu sử dụng.

 

Bức tượng trong ngôi đền (Ảnh: thefederal.com)

Nhóm khảo cổ sau khi kiểm tra địa điểm và tác phẩm điêu khắc đã đệ trình một báo cáo lên tòa án, đưa ra kết luận của họ rằng bức tượng có nguồn gốc từ Phật giáo.

“Sau khi kiểm tra tác phẩm điêu khắc và xem xét cẩn thận các bằng chứng khảo cổ và lịch sử theo ý của chúng tôi, tập thể ủy ban bày tỏ ý kiến ​​của họ rằng tác phẩm điêu khắc mô tả một số dấu chỉ lớn của Đức Phật,” báo cáo khảo cổ nêu rõ. 

Báo cáo lưu ý rằng bức tượng mô tả nhân vật trong tư thế ngồi thiền được gọi là ardha padmasana (bán già), trên bệ sen, với hai tay đặt theo tư thế dhyana mudra (kiết ấn thiền định Yoga).

Báo cáo mô tả chi tiết rằng đầu bức tượng cho thấy các dấu hiệu của Đức Phật, chẳng hạn như tóc xoăn, một hình bầu dục ba chiều ở đỉnh đầu, tai dài và không thấy dấu chấm trên trán; đầu bức tượng đã bị cắt khỏi thân và sau đó được gắn lại bằng hỗn hợp xi măng và vôi vài năm trước; do lỗi của con người, đầu không được đặt đúng vị trí trên thân và do đó, đầu hơi nghiêng về bên trái.

Báo cáo nói thêm rằng tên vị thần Hindu được gán cho bức tượng - Thalaivetty - trong tiếng Tamil có nghĩa là một vị thần bị chặt đầu. Các phương tiện truyền thông cho biết Muniappan là tên của một vị thần địa phương.

Thẩm phán Anand Venkatesh cũng ra lệnh khôi phục tác phẩm điêu khắc về trạng thái ban đầu, nói rằng “tiếp tục coi tác phẩm điêu khắc như là của Thalaivetti Muniappan sẽ đi ngược lại các nguyên lý của Phật giáo.” 

Mặt trước ngôi đền (Ảnh: indatimes.com)

Phán quyết của tòa án đặt ra một tiền lệ quan trọng có khả năng xảy ra đối với nhiều trường hợp ở Tamil Nadu và khắp Ấn Độ, trong đó bản chất hoặc danh tính ban đầu của một ngôi đền hoặc nơi thờ tự bị tranh chấp.

Khu vực Tamil Nadu của Ấn Độ là nơi có vô số di tích Phật giáo và di chỉ khảo cổ học, với những bức tượng Phật giáo cổ đại được phát hiện ở hầu hết các quận. Nguồn gốc của Phật giáo trong khu vực có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên do ảnh hưởng của hoàng đế Mauryan Ashoka.

Bằng chứng khảo cổ đã được khai quật cho thấy sự hiện diện của nhiều truyền thống Phật giáo trong khu vực, bao gồm các thực hành Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Khu vực này là quê hương của một số học giả và hành giả Phật giáo đáng kính, bao gồm Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), Phật Âm (Buddhaghosha), Nguyệt Xứng (Chandrakirti), Hộ Pháp (Dhammapala), Pháp Xứng (Dharmakirti) và Trần Na (Dignaga)./.

Quang Nam (tổng hợp và dịch từ Buddhistdoor)