'Những ngày Di sản châu Âu' tại Pháp thu hút đông đảo người tham dự
Ngày đăng: 21/09/2021
Một góc lăng mộ Hoàng đế Napoleon Bonaparte.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, sau một năm bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19, "Những ngày Di sản châu Âu 2021" đã đánh dấu sự mở cửa trở lại của các địa điểm di sản và mang đến người dân những cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và khám phá trong 16.000 di tích mở cửa miễn phí trên khắp nước Pháp.

Đến hẹn lại lên. Từ gần 40 năm nay, cứ vào dịp nghỉ cuối tuần thứ ba của tháng 9 hàng năm, người dân Pháp lại nô nức kéo nhau đến các bảo tàng, di tích, di sản quốc gia và quốc tế để tham quan. Năm nay, "Những ngày Di sản châu Âu" lần thứ 38 đã diễn ra vào ngày 18-19/9 với thông điệp "Di sản cho tất cả".

Khoảng 16.000 di tích quốc gia nổi tiếng, lâu đài, di sản nông thôn, khu vườn lịch sử, các tòa nhà tôn giáo hoặc các khu công nghiệp… đã mở rộng cửa đón du khách vào thăm miễn phí hoặc với mức giá siêu ưu đãi. Những nơi bình thường không thể vào được như trụ sở các cơ quan công quyền, Phủ Tổng thống, Phủ Thủ tướng, tòa nhà Thượng viện, Quốc hội đã thu hút một lượng lớn khách tham quan với điều kiện phải đặt chỗ trước.

Lăng mộ Hoàng đế Napoleon Bonaparte.

Để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, trừ các khu di tích ngoài trời, những hoạt động tham quan bảo tàng, triển lãm, di sản trong nhà đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của phòng dịch, như không đeo khẩu trang, không mang chứng nhận y tế, sẽ không được tham quan. Thậm chí, nhiều nơi đã yêu cầu đăng ký lịch hẹn trước và hạn chế người tham dự.

Bức tường kính của nhà thờ Sainte-Chapelle.

Theo Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot-Narquin, chủ đề "Di sản cho tất cả" năm nay nhằm tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận với các di sản, đặc biệt là những người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Trên tinh thần này, tại các các khu vực có di tích, bảo tàng, các tuyến đường đều được thiết kế phù hợp với mọi đối tượng. Nhiều nơi có những buổi tham quan dành riêng cho người khiếm thị và khiếm thính. Với những người không thể đến tận nơi, các chuyến tham quan bảo tàng 3D cũng thỏa mãn phần nào nhu cầu khám phá tại nhà của họ. Nhằm hướng tới giới trẻ, các di sản, bảo tàng đã dành riêng một ngày thứ sáu 17/9 để đón học sinh, sinh viên đến tham quan theo trường, lớp.

Điểm nhấn của "Những ngày Di sản châu Âu" tại Pháp năm nay là các hoạt động tôn vinh di sản đường sắt, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra đời tàu cao tốc TGV. Nhân dịp này, du khách có thể tham quan các nhà ga cổ, những toa xe lửa và đầu máy huyền thoại từng ghi dấu ấn trong lịch sử đường sắt Pháp.

Khách xếp hàng tham quan công trình lịch sử Conciergerie.

Nước Pháp hiện có hơn 45.000 di tích lịch sử được bảo vệ trong đó khoảng 13.500 di tích đã được công nhận cấp quốc gia. Khoảng 44% trong số này thuộc sở hữu tư nhân, 41% thuộc về các tỉnh, thành phố và chỉ 4% thuộc về Nhà nước. Về quy mô quốc tế, Pháp hiện có 45 di sản được UNESCO công nhận, đứng thứ 5 trong số các nước có số lượng di sản quốc tế nhiều nhất thế giới, sau Italy, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Đức.

Khách tham quan Khải Hoàn Môn.

Việc mở cửa đón khách vào tham qua miễn phí vừa để khơi dậy tình yêu và niềm tự hào của người dân về các tài sản vật thể và phi vật thể vô giá của quốc gia, vừa góp phần nâng cao ý thức gìn giữ và bảo tồn di sản của mọi người, tạo nên nét văn hóa truyền thống độc đáo của châu Âu vốn được duy trì từ gần 40 năm nay. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số lượng người tham dự "Những ngày Di sản châu Âu" ở Pháp luôn ở mức ổn định, khoảng 12 triệu lượt khách/năm.

Theo TTXVN