Ngày Nhân quyền Thế giới 2021: Bình đẳng để thúc đẩy nhân quyền, chiến thắng đại dịch
Ngày đăng: 09/12/2021
Người tị nạn tại một trại tạm ở Aj Jabalen, Sudan ngày 15/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10/12 hằng năm là Ngày Nhân Quyền Thế giới. Chủ đề được Liên hợp quốc chọn cho ngày này năm 2021 là 'Bình đẳng – Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền'. Chủ đề bình đẳng đặc biệt có ý nghĩa khi thế giới vẫn đang chật vật với đại dịch COVID-19, làm lộ rõ tình trạng bất bình đẳng trong nhiều vấn đề liên quan.

Ngày Nhân quyền Thế giới là ngày đánh dấu sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) năm 1948. Bản tuyên ngôn này là văn kiện mang tính bước ngoặt, tuyên bố các quyền bất khả xâm phạm của con người bất kể màu da, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, ngôn ngữ, quan điểm chính trị, nguồn gốc xã hội, địa vị…

Theo Liên hợp quốc, chủ đề năm 2021 liên quan tới vấn đề bình đẳng. Điều 1 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ghi rõ rằng “mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền và nhân phẩm”. Do đó, Liên hợp quốc tin rằng các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử là trọng tâm của nhân quyền.

Nguyên tắc bình đẳng cũng gắn với Nghị trình năm 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tuy nhiên, đạt các mục tiêu phát triển bền vững không khả thi nếu không giải quyết và tìm giải pháp cho tình trạng phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức đang tác động tới những người dễ bị tổn thương nhất trong các cộng đồng. Một số hình thức phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong mọi xã hội như phân biệt giới tính, sắc tộc, chủng tộc; phân biệt đối xử về cơ hội kinh tế, xã hội và cả phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các cơ hội… Ở nhiều quốc gia, đói nghèo vẫn là một trong những hình thức tệ nhất của phân biệt đối xử, bất bình đẳng và đây cũng là biểu hiện của vi phạm nhân quyền.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, phân biệt đối xử là vấn đề có hại và gây ra bất bình đẳng. Do đó, Liên hợp quốc nhận định rằng bình đẳng, tính bao trùm và không phân biệt đối xử chính là cách tiếp cận dựa trên tôn trọng nhân quyền để phát triển và đó là cách tốt nhất để giảm bất bình đẳng.

Ngoài ra, mục tiêu phát triển bền vững số 10 của Liên hợp quốc là giảm bất bình đẳng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia. Đây là một trong 17 mục tiêu do Liên hợp quốc đặt ra năm 2015.

Thực trạng bất bình đẳng trong đại dịch COVID-19

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, dù có một số dấu hiệu tích cực trong vài chục năm qua, nhưng vẫn còn tình trạng bất bình đẳng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Điều này lộ rõ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, làm tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn ở nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và y tế.

Giáo viên dạy học trực tuyến do sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 10/2. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo Quan sát Nhân quyền năm 2021 cho biết ước tính 90% trẻ em ở độ tuổi đi học trên thế giới bị gián đoạn học tập vì đại dịch COVID-19. Khi chuyển sang học trực tuyến, không phải học sinh nào cũng có đủ điều kiện về thiết bị và Internet để học tập. Tình trạng này cho thấy các chính phủ cần dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực hơn nữa để giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục lộ rõ trong đại dịch COVID-19.

COVID-19 cũng khắc sâu thêm tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại, tác động nặng nề nhất tới nhóm cộng đồng nghèo, những người dễ bị tổn thương. Đại dịch cũng cho thấy bất bình đẳng kinh tế và mạng lưới an sinh xã hội mong manh đã khiến nhiều cộng đồng chịu hậu quả của khủng hoảng COVID-19.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn xa. Người giàu trên thế giới ngày càng giàu, trong khi người nghèo càng trở nên khó khăn. Báo cáo Bất bình đẳng thế giới do một mạng lưới các nhà khoa học xã hội thực hiện cho thấy giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020. Báo cáo cũng chỉ ra thực tế tình trạng nghèo đói tăng mạnh ở các quốc gia có mức độ bao phủ phúc lợi yếu hơn, trong khi ở Mỹ và châu Âu, các gói cứu trợ của chính phủ đã giúp hạn chế ảnh hưởng đối với nhóm thu nhập thấp hơn.

Đặc biệt trong đại dịch, bất bình đẳng thể hiện rõ ở vấn đề phân phối và tiếp cận vaccine COVID-19. Theo tờ Straitstimes, châu Phi chỉ có 10,4% dân số đã được tiêm một mũi vaccine. Trong khi đó, 64% dân số ở Bắc Mỹ và 62% dân số châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. Còn tại châu Á, tỉ lệ tiêm chủng dù đã bứt tốc nhưng vẫn ở mức thấp.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà khoa học cảnh báo số lượng lớn dân số thế giới chưa được tiêm chủng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho virus đột biến và phát triển, tạo ra một biến thể mới tương tự Omicron. Các nhà phân tích và nhà dịch tễ học châu Phi đã rất phẫn nộ khi lục địa của họ bị “bỏ lại phía sau” trong chương trình tiêm chủng và phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng như hiện tại.

Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng Chủ tịch của Liên minh phân phối vaccine châu Phi, cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới là hậu quả của việc thế giới không tiêm chủng một cách công bằng, khẩn cấp và nhanh chóng. Đó là hệ quả của hành động tích trữ vaccine của những nước thu nhập cao trên thế giới. Tiến sĩ Ayoade cũng cảnh báo: “Nếu chúng ta không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng y tế toàn cầu, thế giới sẽ phải đối mặt với đại dịch tiếp theo và chúng ta sẽ không thể thoát khỏi chu kỳ này”.

Theo một nghiên cứu, trong khi các quốc gia có thu nhập cao đã mua được hơn 7 tỷ liều vaccine, thì các quốc gia có thu nhập thấp chỉ có thể mua được khoảng 300 triệu liều. Liên minh Y tá toàn cầu và Tiến bộ quốc tế cảnh báo việc phân phối vaccine bất bình đẳng bất công cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những người có nguy cơ mắc bệnh và lây lan COVID-19 cao.

Cùng lúc, bất bình đẳng kinh tế, chính trị, xã hội đã làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch. COVID-19 cũng tác động mạnh tới những tiến bộ đã đạt được trong bình đẳng giới và quyền phụ nữ nhiều năm qua. Ở nhiều cộng đồng, tình trạng này đã khiến nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nặng nề.

Rõ ràng là đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người khắp thế giới vào cảnh phải chịu bất bình đẳng, bất công nghiêm trọng. Trong bối cảnh các nước chật vật tìm giải pháp giải quyết hậu quả do COVID-19, chúng ta không thể phớt lờ nhân quyền vì nó là điều cốt lõi trong quá trình phát triển và tiến bộ của mọi người. Đảm bảo nhân quyền có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, khủng hoảng, giúp loại bỏ bất bỉnh đẳng, cho phép mọi người tham gia vào những quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống của mình.

Do đó, Ngày Nhân quyền Quốc tế mỗi năm cần là lời nhắc nhở để các chính phủ, người dân, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức nhân quyền và truyền thông khắp thế giới tiếp tục nâng cao nhận thức về nhân quyền, xây dựng các cộng đồng dựa trên bình đẳng. Đảm bảo bình đẳng, chống phân biệt đối xử, bảo vệ các quyền cơ bản của con người chính là sức mạnh và chìa khóa để phá vỡ các vòng luẩn quẩn của đói nghèo, kém phát triển, ngăn chặn xung đột và khủng hoảng trong một thế giới đầy biến động.

 

Theo TTXVN