Mỹ trao trả Campuchia 30 cổ vật văn hóa giá trị
Ngày đăng: 10/08/2022
Ông Damian Williams, công tố viên liên bang Manhattan tại lễ trao trả cổ vật. Ảnh: AP
Ngày 8/8, giới chức Mỹ đã trao trả cho Campuchia 30 cổ vật bị đánh cắp, bao gồm các bức tượng bằng đồng và đá về các vị thần Phật giáo và Ấn Độ giáo có niên đại hơn 1.000 năm.

Theo AFP, ông Damian Williams, công tố viên liên bang Manhattan, đã chính thức bàn giao số cổ vật cho Đại sứ Campuchia tại Mỹ Keo Chhea.

“Chúng tôi trao trả di sản văn hóa của Campuchia cho người dân Campuchia, đồng thời tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc ngăn chặn buôn bán trái phép các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật”, ông Williams nói.

Trong số 30 cổ vật được trao trả bao gồm một bức tượng bằng đá sa thạch từ thế kỷ 10, mô tả Thần chiến tranh Ấn Độ giáo Skanda cưỡi trên con công. Cổ vật này bị đánh cắp khỏi một ngôi đền ở Campuchia vào năm 1997. Bên cạnh đó, tác phẩm điêu khắc vị thần Ganesha - cao 1,5m, nặng hơn 4 tấn cũng được trao trả cho chính phủ Campuchia.

Bức tượng "Thần Skanda cưỡi con công". Ảnh: NYT

Chủ sở hữu của bức tượng "Thần Skanda cưỡi con công" đã giao nộp lại cho nhà điều tra. Ảnh: AP

Tác phẩm điêu khắc thần Ganesha đầu voi (không trưng bày trực tiếp vì nặng 4 tấn). Ảnh: Reuters

Các tác phẩm này đều bị đánh cắp từ Koh Ker, thủ đô của đế chế Khmer cổ đại, cách các ngôi đền nổi tiếng của Angkor khoảng 80 km. Trong những năm 1960 – 1990, các địa điểm khảo cổ của Campuchia đã hứng chịu nạn cướp bóc trên diện rộng trong các cuộc xung đột.

Đại sứ Campuchia tại Mỹ cho biết các cổ vật sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Campuchia ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters

Theo công tố viên Williams, các cổ vật đã bị đánh cắp và bán cho nhà buôn cổ vật Bangkok Douglas Latchford, trước khi bị bán lại cho nhiều khách hàng phương Tây. Douglas Latchford đã tạo ra các tài liệu giả để che giấu việc các mặt hàng này vốn là đánh cắp và buôn lậu.

Năm 2019, các công tố viên Mỹ đã buộc tội ông Latchford với tội danh gian lận và buôn lậu cổ vật. Tuy nhiên, bản cáo trạng đã bị hủy bỏ vì người đàn ông này đã qua đời tại Thái Lan vào năm 2020. Văn phòng của Công tố viên Damian Williams sau đó đã đệ đơn yêu cầu tịch thu dân sự các cổ vật và nhiều bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân của Mỹ đã tự nguyện từ bỏ sở hữu.

Các cổ vật thuộc nền văn hóa Khmer cổ đại. Ảnh: Reuters

25 trong số những món cổ vật đang được trả lại Campuchia đã được ông James H. Clark giao nộp. Người đàn ông này cho biết đã chi khoảng 35 triệu USD để mua hàng chục cổ vật Campuchia và Đông Nam Á, nhiều trong số đó đã từng được đem đi trưng bày tại một căn hộ ở bãi biển Miami.

“Một ngày nọ tôi ghé qua căn hộ của mình và nhìn những đồ vật này. Khi đó tôi đã nghĩ rằng, chúng thực sự nên được trưng bày ở trong một viện bảo tàng, chứ không phải ở trong tay tư nhân”, ông Clark nói.

Các quan chức liên bang cho biết, ông Latchford đã lừa ông Clark tin rằng các cổ vật được bán hợp pháp. Sau khi nhìn thấy bằng chứng chúng bị đánh cắp và buôn lậu, ông Clark đã đồng ý giao nộp 35 món đồ, hầu hết trong số đó có nguồn gốc từ Campuchia.

Trong năm 2020 và năm 2021, ít nhất 700 tác phẩm đã được giới chức Mỹ trao trả lại cho 14 quốc gia, bao gồm Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Iraq, Hy Lạp và Italy. Văn phòng luật sư quận Manhattan đã trả lại 27 cổ vật bị cướp cho Campuchia trong năm ngoái.

Cùng thời điểm, nhà sưu tập cổ vật người Mỹ Michael Steinhardt, 80 tuổi, đã trao trả lại khoảng 180 cổ vật bị đánh cắp từ khắp nơi trên thế giới với ước tính tổng giá trị lên tới 70 triệu USD. Động thái này nằm trong thỏa thuận giữa ông Steinhardt và Tòa án Mỹ. Cụ thể, sau khi trao trả cổ vật, ông Steinhardt sẽ được thoát khỏi một bản cáo trạng, nhưng vẫn bị cấm mua các tác phẩm trên thị trường nghệ thuật hợp pháp trong suốt phần đời còn lại của mình.

Trước đó, vào năm 2014, các công tố viên liên bang đã trả lại Duryodhana, một tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch từ thế kỷ 10 bị cướp phá, cho Campuchia sau khi thỏa thuận với nhà đấu giá Sotheby's Inc, công ty đã mua lại nó.

Nguồn: mekongasean.vn