LHQ kêu gọi tăng cường hành động nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Lương thực
Ngày đăng: 04/10/2021
(Ảnh: www.unep.org)
Nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm lần thứ hai, Liên hợp quốc kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng vứt bỏ thức ăn thừa để giúp giải quyết 3 vấn đề khủng hoảng liên quan đến môi trường sống là biến đổi khí hậu, mất mát tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường.

Theo thông cáo báo chí của Liên hiệp quốc ra ngày 29/9, Chỉ số chất thải thực phẩm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào đầu năm nay cho thấy quy mô lớn của chất thải thực phẩm trên toàn cầu. Năm 2019, 931 triệu tấn thực phẩm được bán cho các hộ gia đình, nhà bán lẻ, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống khác đã bị lãng phí.

Ước tính có khoảng 17% thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng ở các chợ, hộ gia đình, nhà hàng, đi thẳng vào thùng rác và 60% rác thải đó xuất hiện  trong các hộ gia đình tiêu thụ thực phẩm. Hơn nữa, dữ liệu cho thấy chất thải thực phẩm của người tiêu dùng thực sự là một vấn đề toàn cầu, đáng quan ngại ở hầu hết các quốc gia đã đo lường nó.

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đã phát hiện ra rằng khoảng 14% lượng lương thực được sản xuất để tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm bị thất thoát giữa mùa thu hoạch và thị trường bán buôn.

Khi thực phẩm bị mất hoặc lãng phí, tất cả các nguồn tài nguyên được sử dụng để sản xuất thực phẩm này - bao gồm nước, đất đai, năng lượng, lao động và vốn - sẽ trở thành lãng phí. Ngoài ra, việc xử lý thất thoát thực phẩm và chất thải trong các bãi chôn lấp, dẫn đến phát thải khí nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu. Tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng có thể tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, đồng thời góp phần làm tăng giá thành thực phẩm.

“Thất thoát và lãng phí thực phẩm chiếm tới 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thực phẩm thất thoái, lãng phí đã sử dụng đất đai và tài nguyên nước quý giá một cách vô ích”, Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP, cho biết và nói thêm “Việc giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và tăng cường an ninh lương thực - vào thời điểm mà chúng ta rất cần những điều này xảy ra”.

Bà cũng nhấn mạnh rằng lãng phí và thất thoát thực phẩm rất nặng nề và tất cả chúng ta đều có thể góp phần giảm thiểu lãng phí thực phẩm trong cuộc sống và nơi làm việc của chúng ta, và cùng nhau chúng ta có thể thay đổi tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm hiện nay.

Trong khi nhấn mạnh việc lưu trữ thực phẩm cũng quan trọng như đối với sản xuất thực phẩm, một trong những giải pháp thực tiễn, quan trọng để giảm thất thoát thực phẩm là mở rộng các chuỗi bảo quản bền vững, góp phần giảm thiểu tình trạng mất thực phẩm và tăng giá thực phẩm.

Có thể nói Thông cáo báo chí của LHQ nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm lần thứ hai chứa đựng những thông tin và thông điệp thực tiễn, hữu ích cho người dân nói chung, tín đồ các tôn giáo nói riêng, cũng như đối với việc xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, tạo thói quen thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Việt Nam./.

Bùi Quang Nhượng.