Lễ đăng quang của Vua Charles với nhiều biểu tượng tôn giáo
Ngày đăng: 05/05/2023
Thứ bảy ngày 6/5 tới đây là một thời khắc lịch sử đối với Vương quốc Anh. Sau hơn 70 năm, đất nước sẽ có một vị vua mới và vua Charles III sẽ được trao vương miện tại Tu viện Westminster trong một lễ có nhiều tính biểu tượng tôn giáo.

Vua Charles III (C) và Hoàng hậu Camilla của Anh xem cuốn Kinh thánh King James bản đầu tiên và một chiếc chén cổ của Linh mục Jason Bray từ thế kỷ 14 khi họ tham dự một lễ kỷ niệm tại Nhà thờ St Giles ở Wrexham (Ảnh AFP, Dominic Lipinski)

Với lễ đăng quang, vua Charles trở thành người đứng đầu Giáo hội Anh. Các vị vua và hoàng hậu Anh đã nắm giữ vị trí này kể từ khi Giáo hội Anh đoạn tuyệt với Giáo hội Công giáo La Mã vào thế kỷ 16.

Để chứng tỏ rằng vua Charles đảm nhận vai trò lãnh đạo của Giáo hội Anh, ông sẽ được công nhận, tuyên thệ nhậm chức và được xức dầu. Ngoài ra, ông sẽ nhận được các biểu tượng của quyền lực và sự tôn kính. Các yếu tố này là một phần tiêu chuẩn của lễ đăng quang của các quốc vương Anh.

Khi vua Charles bước vào Tu viện Westminister, ông sẽ được chào đón bởi Tổng Giám mục Justin Welby của Canterbury, nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Anh giáo. Sau đó, hoàng gia và các quan khách quan trọng khác sẽ đi trong đoàn rước đến trước Nhà thờ. Trong khi chờ đợi, có thể nghe thấy Thi Thiên 122. “Tôi rất vui khi họ nói với tôi: “Chúng ta hãy đi đến nhà của Chúa!”. Khi Charles đến trung tâm của Nhà thờ, những người có mặt hô vang: "Chúa bào hộ nhà vua!"

Ngoài ra, vua Charles sẽ tuyên thệ tại lễ đăng quang. Với tuyên thệ đó, ông thề sẽ cai trị nước Anh và các khu vực khác dưới sự cai trị của ông theo luật hiện hành. Ông cũng hứa sẽ bảo vệ các quyền và tự do của Giáo hội Anh và thực thi “Tôn giáo Tin lành Cải cách”. Là một vị vua, ông cũng sẽ nhận được danh hiệu Người bảo vệ Đức tin.

Lời thề được tuyên thệ trên một cuốn Kinh thánh King James đặc biệt. Vua Charles sẽ nói những lời sau: “Những điều mà tôi đã hứa trước đây, tại đây, tôi sẽ thực hiện và giữ. Vì vậy, xin Chúa giúp tôi. Ông cũng sẽ nhận được cuốn Kinh thánh để nhắc nhở vị vua về Luật pháp và Tin Lành của Thiên Chúa như một quy tắc cho cuộc sống và sự cai trị của các vị vua Kitô giáo.

Sau khi tuyên xưng đức tin, ca đoàn hiện tại sẽ hát bài thánh ca “Veni, Creator Spiritus”, trong đó xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ. Sau đó, Tổng giám mục Canterbury xức dầu thánh lên tay, ngực và đầu của vị vua mới, giống như các vị vua trong Kinh Cựu Ước được xức dầu. Theo Tổng Giám mục Canterbury, dầu thánh được chế xuất theo một công thức đặc biệt và bí mật có chứa dầu ô liu, hoa cam, hoa hồng, hoa nhài và quế. Dầu ô liu đến từ Núi Ô liu ở Jerusalem, tượng trưng cho mối liên hệ lịch sử sâu sắc giữa lễ đăng quang, Kinh thánh và Đất Thánh. Việc xức dầu có ý nghĩa tôn giáo đặt biệt để vị vua đang quang hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong lễ đăng quang, Charles cũng nhận được hai vương trượng vàng. Một trượng có với cây thánh giá, tượng trưng cho quyền lực thế gian và một triều đại tốt đẹp. Trượng còn lại có chim bồ câu, là biểu tượng của sức mạnh tinh thần. Ông cũng nhận được quả cầu đăng quang, tượng trưng cho thế giới Cơ đốc giáo.

Mặc dù lễ đăng quang có đầy các biểu tượng Cơ đốc giáo, đức tin cá nhân của vua Charles được cho là không sùng đạo như mẹ mình, Nữ hoàng Elizabeth III, Dagen đưa tin. Trước đó, Charles đã yêu cầu thay danh hiệu “Người bảo vệ Đức tin Anh giáo” bằng “Người bảo vệ Đức tin”, lập luận rằng ông cũng bảo vệ các đức tin khác ngoài Cơ đốc giáo.

Ngoài ra, vua Charles được cho là đã nghiên cứu kinh Koran và thậm chí còn cố gắng học tiếng Ả Rập. Ông cũng là Người bảo trợ cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo Oxford tại Đại học Oxford. Trong một bài phát biểu năm 1993, ông nói rằng "Hồi giáo có thể dạy chúng ta cách hiểu thế giới và cách sống trong thế giới." Bài phát biểu đó được coi là bài phát biểu ủng hộ Hồi giáo nhất từng được đưa ra bởi một hoàng gia Anh.

Trong lễ đăng quang, Charles cũng sẽ được chào đón bởi các đại diện từ các tín ngưỡng khác ngoài Cơ đốc giáo. Ngoài ra, một số đại diện của Công giáo La Mã cũng có mặt, điều này có tầm quan trọng lịch sử nếu cân nhắc đến xung đột trong quá khứ, mặc dù những đại diện này không đóng vai trò gì trong việc đăng quang.

Quang Nam (tổng hợp và dịch từ cne.news)