Khám phá thánh địa Phật giáo Bagan
Ngày đăng: 04/10/2021
Shwesandaw là nơi ngắm hoàng hôn lý tưởng nhất
Bagan (tên cũ là Pagan) là thành phố cổ ở Myanmar, từng là thủ đô của vương triều Pagan (tồn tại từ thế kỷ IX - XIII), thành phố được xây dựng từ giữa thế kỷ IX. Ước tính Bagan từng có đến 2.500 ngôi chùa, đền, tháp, tu viện Phật giáo, đến nay còn giữ lại được khoảng 2.000 ngôi, cho thấy đây từng là một trung tâm Phật giáo lớn sánh ngang với Angkor Wat của Campuchia.

"Biển chùa” Bagan

Bagan nằm ở miền trung Myanmar, không giáp với biển, nơi đây là một vùng đất khô, nằm bên bờ con sông dài nhất Myanmar là sông Ayeyarwady, thuộc vùng hành chính Mandalay.

Nhìn từ trên cao, Bagan như một tiểu sa mạc cằn cỗi với nền đất đỏ vàng đặc trưng. Tổng diện tích thành phố cổ Bagan khoảng 65km2, các ngôi chùa, đền được xây dựng chủ yếu vào thế kỷ XI và XII trong thời kỳ chuyển giao từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Thượng tọa bộ (Phật giáo Theravada).

Hầu hết các ngôi đền được dựng bằng gạch nung không trát hoặc đã bị bong tróc hết. Các ngôi đền, tháp đều có lối vào và lối đi lên đỉnh. Trải dài trên một vùng đồng bằng rộng lớn, các ngôi đền, tháp cổ kính đan xen với hàng cây cọ, me và gần như không có sự can thiệp của cuộc sống hiện đại.

Đền Ananda Phaya (gọi tắt là Ananda) là ngôi đền lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất tại Bagan. Ngôi đền được xây dựng năm 1105 với kiến trúc rất công phu, chi tiết. Ngọn tháp cao nhất ở đền được mạ vàng, mỗi khi ánh bình minh hay hoàng hôn chiếu vào tạo ra sự lấp lánh huyền ảo. Kiến trúc đền Ananda được gọi là kiến trúc hình thập tự (stupa) với cấu trúc cân xứng. Ngôi đền được xây dựng chủ yếu bằng đá và phải mất tới 15 năm thi công.

Truyền thuyết về sự hình thành ngôi đền Ananda gắn liền với 8 nhà sư từ Ấn Độ tới Bagan vào cuối thế kỷ XI. Họ đã gặp vị vua Kyanzittha và nói về ngôi đền “huyền thoại” ở dãy núi Himalaya mà họ đang tu. Vua Kyanzittha đã bị thuyết phục và quyết định xây dựng một ngôi đền có kiến trúc tương tự như thế ở Bagan. Ngôi đền được dựng bằng đá trắng, người ta khó có thể tìm thấy các vệt chất kết dính, bởi các khối đá khổng lồ được ghép lại khít chặt với nhau, đó như một tuyệt tác nguyên khối mọc lên từ lòng đất. Trên mái cũng như xung quanh đền có nhiều tượng đá các loài thú được gọi là Chinthes để bảo vệ Phật pháp. Các đỉnh tháp vuốt thon búp măng, được gọi là shikhara, đều được thể hiện hết sức tinh tế. Vào năm 1975, đã xảy ra một trận động đất phá hủy một phần ngôi đền, sau đó người ta đã cho khôi phục lại với kiến trúc nguyên bản.

Năm 2019, Tổ chức UNESCO đã công nhận thành phố cổ Bagan là Di sản văn hóa thế giới.

https://photo-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2021_10_03_8_40427712/a2d92458761a9f44c60b.jpg

Đền Ananda Phaya

Chiêm ngưỡng hoàng hôn Bagan

Thời điểm hoàng hôn, ánh mặt trời chuyển sáng trắng sang ánh sáng đỏ, đem lại cho con người cảm giác bình yên, lãng mạn. Ở Bagan, ngắm hoàng hôn là điều mà bất kỳ du khách nào cũng muốn trải nghiệm. Có nhiều ngọn tháp lý tưởng để du khách đứng ngắm hoàng hôn như tháp Thatbyinnyun (cao nhất ở Bagan), đền Ananda, Dhammayazik (đền kim tự tháp), đền Htilo Mininlo, chùa Nochanthar... vì có độ cao lý tưởng và vị trí không bị che khuất. Còn lựa chọn số một vẫn là ngôi đền cổ nhất Bagan - đền Shwesandaw, còn được dân bản địa gọi là chùa mặt trời - nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất.

Các ngôi đền chủ yếu khoác lên mình màu da cam, nâu đỏ gần trùng với màu hoàng hôn, vậy nên khi hoàng hôn xuống, các ngôi đền, ngọn tháp như rực rỡ hơn. Điều kiện tự nhiên cũng rất ưu ái Bagan, bởi hầu như ngày nào trong năm cũng có mặt trời, khí hậu khô, trời quang mây, chỉ trừ những ngày mưa bão. Lúc hoàng hôn xuống phía xa đỉnh núi, cả vùng đồng bằng Bagan rộng lớn từ từ nghiêng bóng và chìm vào bóng tối. Các ngôi đền như được nhân lên làm hai với bóng đối xứng, làn khói mờ dần xuất hiện rõ ràng. Cảnh tượng mặt trời lấp dần sau ngôi đền thiêng tạo cho du khách cảm giác trong các bộ phim kinh điển về Phật giáo.

Du khách phải lên vài trăm bậc cầu thang từ lúc 3 - 4h chiều, chọn chỗ đứng và kiên nhẫn chờ đợi, hoàng hôn đẹp lung linh chỉ có trong chốc lát. Tuy nhiên, gần đây, để bảo vệ tính tôn nghiêm tại các đền thờ, Bộ Văn hóa Myanmar đã cấm các du khách trèo lên đỉnh đền và chỉ cho phép du khách ngắm hoàng hôn ở tầm thấp. Thêm nữa, du khách tới thăm Bagan cần phải để giày dép bên ngoài khi vào đền, chùa và mặc trang phục kín đáo, ứng xử lịch sự.

Ngoài ngắm hoàng hôn, du khách có thể trải nghiệm một số dịch vụ hấp dẫn khác như tham gia lễ hội khinh khí cầu Taunggyi Tazaungdaing ngắm bình minh vào tháng 11, dạo thuyền trên sông Ayeyarwady, thăm chùa vàng Shwezigon (nguyên bản của chùa vàng Shwedagon ở Yangon), hay leo lên ngôi nhà tinh thần - đền Taung Kalat của người dân Myanmar trên đỉnh núi lửa Popa... Họ cũng có thể thuê một chiếc xe đạp, xe ngựa và đi khắp các con đường mòn trong Bagan. Thời điểm ghé thăm Bagan tuyệt nhất là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, đây là thời điểm ít mưa, nền đất khô ráo và hoàng hôn đẹp nhất.

 

Theo hanoimoi.com.vn