Hiệp hội thế tục tại Anh nêu vấn đề áp đặt tôn giáo đối với trẻ em lên LHQ
Ngày đăng: 31/03/2022
(Hình ảnh: Michal Jarmoluk từ Pixabay)
Hiệp hội Thế tục Quốc gia (National Secular Society - NSS) tại Anh cho biết các mối đe dọa tôn giáo đối với quyền trẻ em ở Vương quốc Anh do Liên hợp quốc nêu ra vẫn chưa được giải quyết.

Hiệp hội nêu lên những lo ngại này như là một phần của quá trình kiểm định định kỳ toàn cầu (UPR) của LHQ nhằm đánh giá tình hình nhân quyền của tất cả các quốc gia thành viên LHQ.

Phân biệt đối xử trong các trường học tôn giáo

Năm 2020, Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) kêu gọi Vương quốc Anh xem xét "tăng cường các chính sách chống phân biệt đối xử trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong việc làm và giáo dục".

NSS cho biết sự phân biệt đối xử được "thể chế hóa" trong toàn bộ hệ thống giáo dục của Vương quốc Anh do sự phổ biến của các trường tôn giáo do nhà nước tài trợ. Các miễn trừ thực hiện luật bình đẳng được cấp cho các trường tín ngưỡng cho phép họ ưu tiên trẻ em có nguồn gốc tôn giáo cụ thể trong việc tuyển sinh. Họ cũng được phép phân biệt đối xử với giáo viên vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Hiệp hội nói rằng sự phân biệt tôn giáo là "đặc biệt nghiêm trọng" trong các trường học ở Bắc Ireland và tiến bộ về giáo dục hòa nhập đã "chậm một cách đáng kinh ngạc và không thể chấp nhận được".  

NSS khuyến nghị Vương quốc Anh loại bỏ phân biệt tôn giáo trong trường học và hướng tới một "hệ thống giáo dục công hoàn toàn thế tục".

Thờ phượng tập thể

UNCRC khuyến nghị Vương quốc Anh bãi bỏ luật yêu cầu thờ phượng tập thể trong tất cả các trường học nhà nước và đảm bảo tất cả trẻ em có thể tự chối việc thờ phượng tập thể.

NSS cho biết "tiến bộ nhỏ" đã được thực hiện trong lĩnh vực này. Hiệp hội nêu bật cách một dự luật được đưa ra năm 2021 để thay thế việc thờ cúng tập thể bằng các hội họp để hòa nhập trong các trường học phi tín ngưỡng ở Anh đã không được chính phủ ủng hộ.

Trường học trái phép

NSS cho biết kế hoạch của chính phủ nhằm tạo ra một sổ đăng ký bắt buộc về trẻ em được giáo dục tại nhà là "một bước đáng hoan nghênh nhằm đảm bảo quyền của trẻ em được giáo dục". Hiệp hội cho biết điều này sẽ giúp giải quyết các 'trường' tôn giáo bất hợp pháp từ chối đăng ký với Bộ Giáo dục để họ có thể tránh các quy định có thể mâu thuẫn với giáo lý tôn giáo của họ.

Giáo dục về các mối quan hệ và giới tính

UNCRC khuyến nghị Vương quốc Anh đảm bảo "giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục có ý nghĩa là một phần của chương trình học bắt buộc đối với tất cả các trường học".

NSS cho biết "một số tiến bộ" đã được thực hiện, vì giáo dục về các quan hệ được thực hiện bắt buộc trong tất cả các trường tiểu học và các mối quan hệ và giáo dục giới tính (RSE) được thực hiện bắt buộc ở tất cả các trường trung học vào năm 2020.

Nhưng Hiệp hội cho biết sự tiến bộ này đã bị hủy hoại bởi hướng dẫn của chính phủ cho phép các trường tín ngưỡng dạy "quan điểm đức tin khác biệt về các mối quan hệ" và buộc tất cả các trường phải tính đến "nền tảng tôn giáo của tất cả học sinh" khi lập kế hoạch chương trình giảng dạy RSE.

NSS cho biết điều này cho phép trường tín ngưỡng dạy RSE bị sai lệch về tôn giáo, bao gồm cả việc dạy rằng biện pháp tránh thai và các mối quan hệ đồng giới là sai trái về mặt đạo đức.  

Hiệp hội khuyến nghị Vương quốc Anh đảm bảo RSE phù hợp với lứa tuổi được "giảng dạy một cách công bằng và toàn diện" trong tất cả các trường học.   

Lạm dụng trẻ em

UNCRC bày tỏ lo ngại về "tỷ lệ truy tố tội bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em thấp".

NSS nhấn mạnh sự phổ biến của lạm dụng trẻ em trong các cơ sở tôn giáo và cho biết những nghi ngờ lạm dụng trong những cơ sở này ít có khả năng bị báo cảnh sát và "có nhiều khả năng" được báo cáo cho tổ chức tôn giáo. Hiệp hội cho biết các báo cáo nội bộ như vậy "thường bị bỏ qua phần lớn".

Hiệp hội khuyến nghị Vương quốc Anh ra báo cáo bắt buộc đối với những nghi ngờ hợp lý về lạm dụng trẻ em.

          Bình luận của NSS

Giám đốc điều hành NSS Stephen Evans cho biết: “Đặc quyền tôn giáo ở Anh đã dẫn đến một danh mục các mối quan tâm về nhân quyền, đặc biệt là liên quan đến trẻ em.

"Mặc dù LHQ liên tục nêu ra những vấn đề này, nhưng tiến độ vẫn diễn ra rất chậm chạp. Điều này một phần là do ảnh hưởng thể chế của các nhóm tôn giáo.

"Vương quốc Anh và Liên hợp quốc phải đảm bảo trẻ em có thể sống và học tập mà không có sự can thiệp tôn giáo có hại đối với các quyền của chúng."

Quang Nam (tổng hợp và dịch theo secularism.org.uk)