Giáo hoàng Francis lên án chủ nghĩa thực dân cũ và mới khi thăm Canada
Ngày đăng: 28/07/2022
Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng Toàn quyền Mary Simon tại Citadelle de Quebec ngày 27/7/2022 (Ảnh AP/Gregorio Borgia).
Phát biểu trước các nhà chức trách chính quyền Canada, bao gồm cả Thủ tướng Justin Trudeau, Giáo hoàng Francis đã chỉ trích "tâm lý thực dân" đã áp bức người dân bản địa trong quá khứ và tiếp tục cho đến ngày nay, đồng thời xin lỗi một lần nữa về vai trò trước đây của Giáo hội Công giáo.

“Trong quá khứ, chủ nghĩa thực dân coi thường đời sống cụ thể của người dân và áp đặt một số mô hình văn hóa đã định trước,” Giáo hoàng cho biết hôm thứ Tư (27/7) trong bài phát biểu tại Thành cổ Quebec. 

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, ngày nay cũng vậy, có rất nhiều hình thức thực dân hóa ý thức hệ xung đột với thực tế cuộc sống, bóp nghẹt sự gắn bó tự nhiên của các dân tộc với các giá trị của họ và cố gắng nhổ bỏ các mối quan hệ truyền thống, lịch sử và tôn giáo của họ”.

Phát biểu của người đứng đầu Giáo hội Công giáo được đưa ra vào ngày thứ ba của chuyến viếng thăm đến Canada (24-29/7) mà ngài mô tả là một “cuộc hành hương đền tội” đến các vùng đất của các cộng đồng dân tộc bản địa Metis và Inuit, nhóm dân tộc đã bị gạt ra ngoài lề xã hội và nền văn hóa của họ đã từng bị các nhà chức trách chính quyền và giáo hội đàn áp.   

Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada trong báo cáo năm 2015 đã đề nghị Giáo hoàng Francis đến thăm đất nước này và đích thân xin lỗi người dân bản địa về vai trò của Giáo hội Công giáo đối với các trường học nội trú nơi nhiều trẻ em bản địa bị đưa đến nhằm mục đích đồng hóa. Thủ tướng Trudeau đã lặp lại lời kêu gọi vào năm 2017.

Cũng trong ngày 27/7, Người đứng đầu Vatican ca ngợi “những lời dạy quan trọng” của các dân tộc bản địa, đặc biệt là mối quan hệ của họ với môi trường và sự gắn bó của họ với gia đình. Ông một lần nữa lên án “hệ thống đáng trách” của các trường học nội trú, trong đó có nhiều trường học do Công giáo điều hành, thường buộc trẻ em bản địa tách rời khỏi gia đình, văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của chúng.

Nhắc lại lời xin lỗi hôm thứ Hai (25/7) vì sự tham gia của giáo hội vào các chính sách nhằm xóa bỏ nền văn hóa bản địa, Giáo hoàng Francis bày tỏ “sự hối tiếc và đau buồn sâu sắc” và lặp lại “sự cầu xin tha thứ cho hành động sai trái của rất nhiều Cơ đốc nhân đối với người Bản địa”.

Đáp lại các phát biểu của Giáo hoàng, Thủ tướng Trudeau bày tỏ lòng biết ơn về chuyến thăm và lời xin lỗi của Giáo hoàng - đồng thời khẳng định rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa.

“Vào sáng thứ Hai, tôi đã ngồi với những người sống sót và cảm nhận được phản ứng của họ trước lời xin lỗi của Giáo hoàng. Mỗi người sẽ lấy từ nó những gì họ cần. Nhưng chắc chắn rằng Giáo hoàng đã tạo một tác động to lớn. Những người sống sót và con cháu của họ cần phải là trung tâm của mọi thứ chúng ta cùng nhau làm trong tương lai”, Thủ tướng Canada nói.

Giáo hoàng Francis được chào đón bởi một thành viên của cộng đồng bản địa, tại Thành cổ Quebec ngày 27/72022 (Ảnh AP / Gregorio Borgia)

Giáo hoàng cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng các hình thức thực dân mới vẫn tiếp tục ngày nay, đang đồng nhất và san bằng mọi thứ, thiếu khoan dung với sự khác biệt, và chỉ tập trung vào hiện thời và nhu cầu và quyền lợi nhất thời của các cá nhân.

Hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” này là một khái niệm mà Giáo hoàng Francis thường chê bai và mô tả là cách làm của các quốc gia giàu có hơn để tận dụng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia và cộng đồng đang phát triển để đổi lấy sự chấp nhận các giá trị phương Tây. Những nỗ lực như vậy có thể dẫn đến “nền văn hóa hủy bỏ, đánh giá quá khứ hoàn toàn dựa trên cơ sở của một số phạm trù đương đại”, ông nói.

Ông nói thêm rằng tâm lý này cũng có xu hướng khiến những người yếu thế và dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là những người nghèo, người di cư, người già và trẻ sơ sinh, trong khi văn hóa bản địa có “nhiều điều để dạy chúng ta về việc chăm sóc và bảo vệ gia đình.”

Giáo hoàng kêu gọi các nhà chức trách chính quyền "thúc đẩy các quyền hợp pháp của người dân bản địa," đặc biệt là liên quan đến việc hàn gắn và hòa giải. Ông cũng tái khẳng định cam kết của Giáo hội Công giáo để “hiểu và chữa lành” mối quan hệ của họ với các dân tộc bản địa.

          Giáo hoàng Francis cũng ca ngợi nỗ lực bảo vệ sinh thái của Canada và nói về sự cần thiết của các dân tộc và quốc gia cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu về chiến tranh, biến đổi khí hậu, di cư và đại dịch. Ông nói: “Chính trị không thể bị bó hẹp trong lợi ích đảng phái. “Chúng ta cần phải có tầm nhìn đến bảy thế hệ sau như truyền thống trí tuệ Bản địa dạy, chứ không chỉ chú tâm vào sự thuận tiện trước mắt của chúng ta, vào các cuộc bầu cử tiếp theo, hoặc sự ủng hộ của vận động hành lang này hay vận động hành lang kia.”

Giáo hoàng cũng chúc mừng Canada đã chào đón những người tị nạn Ukraine và Afghanistan, đồng thời khuyến khích những nỗ lực của nước này theo chủ trương xã hội đa văn hóa của mình, đồng thời tôn trọng “các truyền thống và các nền văn hóa đa dạng”./.

Quang Nhượng (tổng hợp và dịch theo religionnews.com)