MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Các nhóm tôn giáo Thụy Điển lên án việc đốt Kinh Qur'an và các phát ngôn thù nghịch
Ngày đăng: 31/01/2023Thành viên của các nhóm tôn giáo ở Thụy Điển đã lên tiếng ủng hộ người Hồi giáo sau khi Rasmus Paludan, lãnh đạo của tổ chức cực hữu Đan Mạch Stram Kurs (Hard Line) đốt một bản sao của Kinh Qur'an, cuốn thánh kinh của người Hồi giáo, dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Điều phối viên của Ủy ban Công giáo về Đối thoại Liên tôn ở Thụy Điển, Kaj Engelhart, nói ông công nhận rằng hành động của Paludan được hiểu là hợp pháp, nhưng cũng cần phải thảo luận xem có nên thay đổi luật hay không, vì nhiều người gọi đó là hành động thù hận.
"Chứng kiến vụ việc này khiến tôi có cảm giác rất tồi tệ. Theo đức tin của chúng tôi, không được phép xúc phạm những người thuộc các tôn giáo khác. Là người Công giáo, chúng tôi tuyệt đối phản đối những hành động như vậy", Engelhart nói.
Cộng đồng Do Thái cũng lên tiếng phản đối hành động bài Hồi giáo. Đề cập đến các vụ đốt sách ở Đức Quốc xã, Hội đồng chính thức của Cộng đồng Do Thái Thụy Điển và Tổ chức đối tác Do Thái - Hồi giáo AMANAH cho biết trong một tuyên bố rằng các vụ đốt sách thường cho thấy sự khởi đầu của việc bình thường hóa sự hận thù đối với một nhóm.
"Trước đây chống lại người Do Thái, bây giờ chống lại người Hồi giáo", tuyên bố cho biết, cảnh báo rằng những kẻ phân biệt chủng tộc và cực đoan một lần nữa có thể "lạm dụng dân chủ và quyền tự do ngôn luận để bình thường hóa sự thù hận chống lại một trong những nhóm tôn giáo thiểu số của Thụy Điển bằng cách đốt Kinh Qur'an."
Tuyên bố chỉ ra các cuộc tấn công ngày càng tăng nhằm vào người Do Thái và người Hồi giáo ở Thụy Điển và bày tỏ mối quan tâm chung. "Trong một xã hội dân chủ, mọi cá nhân đều có quyền cảm thấy an toàn và được tôn trọng. Chúng tôi qua đây mong muốn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với cộng đồng Hồi giáo Thụy Điển và nói rõ rằng bất kỳ hành động hay dấu hiệu nào của định kiến và thù hận đều không thể chấp nhận được", tuyên bố viết.
Chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Thụy Điển, Tahir Akan, nói rằng người Hồi giáo không thể lên tiếng và thật không may, mối quan tâm của họ đã bị bỏ qua. Ông cho biết cộng đồng nên đoàn kết và thúc đẩy cuộc chiến chống lại định kiến chống Hồi giáo về mặt học thuật và pháp lý.
Nhận xét về một báo cáo của Liên hợp quốc nói rằng có sự phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Thụy Điển, Akan nói: "Nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ xu hướng chung này là cộng đồng Hồi giáo. Đặc biệt là trong vấn đề việc làm và các vấn đề hàng ngày khác, thật không may, người Hồi giáo phải chịu sự phân biệt chủng tộc."
"Thật không may, chúng tôi thấy rằng các chính trị gia của chúng tôi còn lâu mới nhận ra vấn đề này. Điều chúng tôi có thể làm là giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ để mang lại sự thay đổi cho toàn nhân loại", ông nói thêm./.
Quang Nam (tổng hợp và dịch)