Các nhóm tôn giáo có thành viên nhập cư tại Mỹ phát triển nhanh nhất trong thập kỷ qua
Ngày đăng: 17/11/2022
Người nhập cư tập trung bên ngoài Nhà thờ Tân giáo St. Andrew ngày 14/9/2022 ở Edgartown, Massachusetts (Ảnh: Ray Ewing/Vineyard Gazette qua AP)
Một nghiên cứu mười năm một lần về đời sống tôn giáo của Hoa Kỳ cho thấy điều mà nhiều nhà nhân khẩu học và những người khác đã biết từ lâu: Việc tham gia các hoạt động tôn giáo không tương xứng với tốc độ tăng trưởng dân số nói chung. Tuy nhiên, các nhóm tôn giáo thu hút số lượng lớn người nhập cư đã tăng trưởng ổn định.

Điều tra Tôn giáo Hoa Kỳ, do Hiệp hội các nhà thống kê của các cơ tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ tiến hành 10 năm một lần, đã kết luận rằng có tổng cộng 356.739 hội nhóm tôn giáo và 161 triệu tín đồ, bao gồm cả trẻ em, ở Hoa Kỳ trong năm 2020. (Số tín đồ là khái niệm mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đếm những người này có liên kết với hội thánh, kể cả trẻ em và những người tham gia nhưng có thể không thuộc hội thánh).

Không giống như thăm dò ý kiến, đặt câu hỏi từ một mẫu nhỏ dân số và ngoại suy cho dân số nói chung, điều tra dân số tôn giáo thu thập thông tin từ các giáo phái và các tổ chức tôn giáo khác và vạch ra số lượng giáo đoàn và tín đồ trên mỗi hạt ở Mỹ. Trong nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 372 tổ chức tôn giáo, chủ yếu là các giáo phái, và 44.000 hội đoàn độc lập phi giáo phái. Con số bao gồm các giáo đường, thánh đường và đền thờ của các truyền thống Do Thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, đạo Sikh và đạo Jain.

Nghiên cứu cho thấy Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ là cơ quan tôn giáo lớn nhất, với 61 triệu tín đồ tại với 19.000 nhà thờ, chiếm gần 19% dân số Hoa Kỳ. Đó là mức tăng khiêm tốn 2 triệu tín đồ so với năm 2010, khi nhà thờ có gần 59 triệu tín đồ. Nhà xã hội học làm việc trong cuộc điều tra dân số cho biết sự tăng trưởng gần như hoàn toàn được tạo nên từ những người nhập cư gốc Tây Ban Nha.

Scott Thumma, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo Hartford, người đã thống kê các hội đoàn tôn giáo độc lập cho cuộc điều tra dân số, cho biết: “Nếu bạn loại bỏ dân số gốc Tây Ban Nha trong Giáo hội Công giáo, điều đó sẽ trông tồi tệ như các giáo phái chính thống. (Các giáo phái chính, chẳng hạn như Episcopalian, Lutheran và Presbyterian, đã suy giảm trong hơn 50 năm.)

Có lẽ sự tăng trưởng nổi bật nhất là trong số những người theo đạo Hồi. Số người Hồi giáo tham gia cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo đã tăng từ 2,6 triệu vào năm 2010 lên 4,5 triệu vào năm 2020, tăng 75%. (Pew Research ước tính có 3,85 triệu người Hồi giáo ở Hoa Kỳ vào năm 2020, nhưng những con số đó không bao gồm trẻ em.)

Ihsan Bagby, Phó giáo sư Nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Kentucky, người đã thu thập dữ liệu về người Hồi giáo, cho biết sự tăng trưởng đó chủ yếu là do nhập cư. Tỷ lệ sinh cao hơn có thể là một lý do thứ yếu.

Bagby ước tính số thánh đường Hồi giáo ở Hoa Kỳ là 2.771, tăng vọt so với 871 nhà thờ Hồi giáo chỉ trong một thập kỷ. Người Hồi giáo chiếm khoảng 2,8% tổng số tín đồ tôn giáo và khoảng 1,3% tổng dân số, nghiên cứu ước tính.

Các nhà thờ Hồi giáo ở Hoa Kỳ, giống như ở nước ngoài, thường không giữ tư cách thành viên. Bagby cho biết ông đã đạt được ước tính của mình bằng cách hỏi thông tin về những buổi cầu nguyện Jumah hàng tuần cũng như buổi cầu nguyện trong ngày nghỉ lễ hoặc lễ Eid.

Ông gợi ý rằng người Hồi giáo có thể đang ở trong thời kỳ hoàng kim ở Hoa Kỳ. Họ trẻ hơn so với dân số Hoa Kỳ nói chung và những người thuộc thế hệ Boomer có tài chính khá giả và có thể đóng góp vào việc xây dựng các nhà thờ Hồi giáo mới. (Các thánh đường Hồi giáo thế hệ đầu tiên thường ở trong các nhà thờ hoặc nhà kho được tân trang lại)

Nghiên cứu cũng đưa ra các thông số đáng lưu ý khác: Người theo Bắp-tít Nam Phương có nhiều nhà thờ nhất trong bất kỳ nhóm tôn giáo nào, với 51.379 nhà thờ; Có khoảng 44.319 nhà thờ phi giáo phái, tăng gần 9.000 so với 10 năm trước và khoảng 9 triệu tín đồ. Tuy nhiên, về tổng thể, họ chỉ chiếm 13% tổng số tín đồ tôn giáo ở Hoa Kỳ; người theo Bắp-tít Nam Phương và Giám lý Thống nhất cùng giảm khoảng 2 triệu thành viên từ năm 2010 đến năm 2020.

Ông Thumma nói: “Các thương hiệu giáo phái đã suy yếu và sự chia rẽ gia tăng về các vấn đề như nữ giáo sĩ hoặc khuynh hướng tình dục. “Điều này có thể khiến một số tín đồ tìm kiếm hoặc thậm chí thành lập các nhà thờ phi giáo phái mới”./.

An Nam (tổng hợp và dịch theo religionnews)