Các lãnh đạo tôn giáo tụ họp trong dịp COP27 để kêu gọi thống nhất cách ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 24/11/2022
Các nhà lãnh đạo tôn giáo tụ họp thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu ở London (ảnh: prnewswire.com)
Đại diện của các tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Đạo Sikh đã tập trung tại chân Đồi Nghị viện ở Luân Đôn vào ngày 13/11 để đưa ra tiếng nói của họ trong lời kêu gọi các chính trị gia và nhà đàm phán tại Hội nghị Khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) nỗ lực vì lợi ích của nhân loại.

Đồng thời, tại các địa điểm trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tập hợp lại để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khắc phục các lỗi lầm liên quan đến biến đổi khí hậu và hành động phù hợp với Mười Nguyên tắc để khắc phục. Các nguyên tắc này nhấn mạnh nhân loại là chủ thể của thế giới này, mọi thói quen và lối sống đều tác động đến môi trường sống, cần sống có trách nhiệm với môi trường sống cho thế hệ hôm nay và mai sau, và cùng nhau hành động để đảo ngược sự biến đổi khí hậu đang diễn ra,… 

“Là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi đưa ra tiếng nói của mình như một sự đóng góp cho các nhà lãnh đạo quy tụ (tại COP27) và cho nhân loại”, nguyên Tổng Giám mục Canterbury, Tiến sĩ Rowan Williams nói với những người tụ họp tại London. “Chúng ta cũng phải thẳng thắn đối mặt với những thói quen tiêu cực đang tiếp tục hạn chế khả năng và hy vọng của con người, để kêu gọi thức tỉnh và tự kiểm điểm”.  

Sau đó cùng ngày, các nhà lãnh đạo tín ngưỡng cũng tham gia Lễ sám hối đa tín ngưỡng về khí hậu kéo dài hai giờ tại một giáo đường Do Thái ở Bắc Luân Đôn.

Trước buổi lễ, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein, người tổ chức sự kiện, tuyên bố: “Để đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta không chỉ cần đưa ra các quyết định chính trị, chúng ta cần thay đổi tâm trí của mình, và thay đổi tâm trí của chúng ta, đó là công việc của tôn giáo.” Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hiểu “rằng họ không đàm phán thay mặt cho một quốc gia hay nhóm lợi ích nào, mà thay mặt cho một tầm nhìn sâu sắc hơn về nhân loại và làm thế nào để hiện thực hóa tầm nhìn này trên thế giới.”  

Nhà hoạt động khí hậu Yosef Abramowitz, người đồng khởi xướng sự kiện này, cho biết: “Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới đang đưa ra lời kêu gọi rõ ràng tới các nhà lãnh đạo và công dân thế giới hãy chịu trách nhiệm và hành động khẩn cấp để chuyển ngay sang sử dụng năng lượng tốt cho cuộc sống. Chúng tôi đã đi tiên phong trong việc sử dụng 100% năng lượng mặt trời từ Biển Đỏ đến Biển Chết và đã chứng minh rằng điều đó là khả thi về mặt công nghệ và có lợi về mặt kinh tế. COP27 không nên tán thành chủ nghĩa gia tăng lợi nhuận. Tôn giáo có thể tạo ra hy vọng và hành động; năng lượng xanh có thể cung cấp năng lượng cho hành tinh”.  

Những người tham dự hội nghị liên tôn về biến đổi khí hậu tại Bộ Ngoại giao ở Jerusalem (ảnh: al-monitor.com)

Trước đó, vào ngày 3/11, các nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel đã tập trung cho một hội nghị liên tôn tại Bộ Ngoại giao ở Jerusalem, trước thềm COP27. Hội nghị được tổ chức với sự cộng tác của tổ chức phi chính phủ Israel, Trung tâm Phát triển bền vững Interfaith.

Hội nghị nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo tôn giáo trong việc giải quyết biến đổi khí hậu với mục đích tạo điều kiện cho các nhóm tôn giáo trên khắp thế giới thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo. Những người tham gia đã thông qua Tuyên bố khí hậu Jerusalem, trong đó kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay./.

Quang Nam (tổng hợp và dịch từ Buddhistdoor)