Các lãnh đạo tôn giáo thế giới kêu gọi hành động trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26)
Ngày đăng: 08/10/2021Ngày 14/2/2021, Giáo hoàng Francis và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã đưa ra lời kêu gọi chung cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng tới nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể để cứu hành tinh khỏi "một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có".
Cuộc họp "Niềm tin và Khoa học: Hướng tới COP26" do Vatican, Anh và Ý đồng tổ chức đã quy tụ khoảng 40 nhà lãnh đạo đại diện cho tất cả các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới, bao gồm Phật giáo, Cơ đốc giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Do Thái giáo, Đạo Sikh, Đạo giáo và Zoroastrianism, trong đó có Tổng giám mục Anh giáo Justin Welby, Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew và 4 đại biểu Phật giáo.
Trong bài phát biểu bằng văn bản của mình, Giáo hoàng Francis khẳng định COP26 ở Anh đại diện “cho một sự triệu tập khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta hiện đang trải qua, và theo cách này để mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai". Ông cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo nên được coi là sức mạnh, chứ không phải là điểm yếu, trong việc bảo vệ môi trường, “Mỗi chúng ta đều có niềm tin tôn giáo và truyền thống tâm linh của mình, nhưng không có biên giới hay rào cản nào về văn hóa, chính trị, xã hội ngăn cản chúng ta sát cánh cùng nhau”.
Tổng giám mục Justin Welby, nhà lãnh đạo tinh thần của Anh giáo trên thế giới đã kêu gọi một sự tái kiến trúc tài chính toàn cầu nhằm tránh những sai lầm trong quá khứ đã đưa đến các khủng hoảng về môi trường, bao gồm những thay đổi trong các quy định về thuế để thúc đẩy hoạt động xanh, đồng thời cho rằng "Trong 100 năm qua, chúng ta đã tuyên chiến với sự sáng tạo ... Cuộc chiến chống lại khí hậu ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trong chúng ta".
Lời kêu gọi chung, được đưa ra và đồng ký bởi gần 40 lãnh đạo tôn giáo, sau nhiều tháng họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo tôn giáo:
• Kêu gọi thế giới đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không càng sớm càng tốt, để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp;
• Thúc đẩy các quốc gia giàu có hơn và những quốc gia có trách nhiệm lớn nhất đi đầu, để tăng cường hành động về khí hậu của họ ở trong nước và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương để thích ứng và giải quyết biến đổi khí hậu.
• Thúc giục các chính phủ nâng cao các mục tiêu và sự hợp tác quốc tế của họ để chuyển đổi sang năng lượng sạch và sử dụng đất bền vững, hệ thống thực phẩm thân thiện với môi trường và tài chính có trách nhiệm.
• Các nhà lãnh đạo đức tin cam kết hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thông qua giáo dục và ảnh hưởng đến các tín đồ truyền thống của họ và tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về các vấn đề môi trường. Các nhà lãnh đạo tín ngưỡng cũng sẽ hỗ trợ hành động để làm xanh hóa các tài sản cộng đồng của các tổ chức dựa trên đức tin, chẳng hạn như các cơ sở thờ tự và các khoản đầu tư của họ.
Lời kêu gọi, trong đó mô tả biến đổi khí hậu là "mối đe dọa nghiêm trọng", đã được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và Bộ trưởng Alok Sharma của Anh, Chủ tịch COP26 ở Glasgow.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Alok Sharma nói "Các nhà lãnh đạo đức tin đã đến đây ngày hôm nay đại diện cho khoảng 3/4 dân số thế giới. Đó là một tỷ lệ đáng kể của người dân trên toàn cầu và đó là lý do tại sao tiếng nói của họ rất quan trọng".
Chủ tịch COP26, Alok Sharma cũng bày tỏ vinh dự khi nhận được lời kêu gọi chung lịch sử này khi thúc đẩy tiến độ hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C tại COP26 chỉ trong vài tuần nữa và “Tất cả chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và tôi hy vọng những người có đức tin sẽ tiếp tục là một phần quan trọng của cuộc đối thoại này khi chúng ta cùng nhau thúc đẩy hành động vì khí hậu.
Bùi Quang Nhượng (tổng hợp từ REUTERS, Buddhistdoor, gov.uk)