Lòng tin và thử thách
Ngày đăng: 23/05/2018
Việc liên minh của giáo sĩ Hồi giáo dòng Si-ít M.Xa giành số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Iraq thể hiện mong muốn của đông đảo cử tri Iraq về việc hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Iraq. Liên minh này được kỳ vọng có thể thành lập một chính phủ giúp tăng cường đoàn kết ở một quốc gia đa tôn giáo, nhằm vượt qua thách thức trong công cuộc tái thiết đất nước nhiều gian nan.

Cuộc bầu cử Quốc hội Iraq lần đầu sau khi nước này tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, thắng lợi thuộc về liên minh Hướng tới cải cách của giáo sĩ M.Xa, cùng việc liên minh Chiến thắng của đương kim Thủ tướng H.A-ba-đi chỉ về vị trí thứ ba, đã mang đến một bất ngờ. Về thứ hai là liên minh Chinh phục của ông H.A-mê-ri, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự của người Si-ít, một nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Iraq khi ông lãnh đạo nhóm bán quân sự góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến chống khủng bố. Mặc dù liên minh Hướng tới cải cách giành 54 ghế trong Quốc hội khóa mới, song vẫn chưa đủ đa số và phải đàm phán với các đảng phái khác để thành lập chính phủ.

Chiến thắng của giáo sĩ M.Xa đánh dấu sự trở lại đáng ngạc nhiên của nhân vật này, người nhận được sự ủng hộ của giới trẻ và tầng lớp người nghèo. Bản thân giáo sĩ M.Xa đã loại trừ khả năng ông làm thủ tướng, thay vào đó ông muốn phối hợp với một chính phủ gồm các nhà kỹ trị từ hàng chục đảng phái. Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua nhiều sóng gió bởi xung đột tàn phá, chia rẽ phe phái, sắc tộc sâu sắc, tiến trình đàm phán chính phủ ở Iraq được dự báo sẽ gian nan, dù cuộc đàm phán đã có bước khởi đầu thuận lợi hơn dự đoán. Truyền thông Iraq đưa tin, các lực lượng chính trị đã đạt tiến bộ đáng kể trong đàm phán thành lập một liên minh lớn nhất trong Quốc hội, nhằm chuẩn bị cho một chính phủ mới. Người đứng đầu nhóm nghị sĩ của liên minh Hướng tới cải cách cho biết, các nhà đàm phán đã đạt thỏa thuận sơ bộ với một vài nhân vật chủ chốt, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm H.A-ba-đi và giáo sĩ dòng Si-ít có nhiều ảnh hưởng A.Ha-kim, người lãnh đạo liên minh An Hi-ma.

Tiến trình đàm phán giữa các bên tập trung thành lập một chính phủ mới ở Iraq. Việc từ bỏ hệ thống chia sẻ quyền lực, vốn đã được các đảng phái chính trị thông qua từ năm 2003, là vấn đề nổi bật nhất được các nhà đàm phán nhất trí. Mục tiêu của liên minh cầm quyền là tiến hành các cải cách cần thiết và sửa chữa những sai lầm vốn chi phối tiến trình chính trị của Iraq kể từ năm 2003, thời điểm sau khi Tổng thống X.Hu-xê-in bị lật đổ. Những sai lầm khiến đất nước Iraq phải trả giá, đó là cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu nhiều năm qua đẩy quốc gia giàu dầu mỏ vào cuộc khủng hoảng kéo dài, có lúc bên bờ vực đổ vỡ. Một chính phủ đa số, đại diện tất cả các phái và sắc tộc ở Iraq, bao gồm các cộng đồng Hồi giáo Si-ít, Xun-nít và người Cuốc hiện được các nhà đàm phán hướng tới. Các chính trị gia Iraq kiên quyết bác bỏ sự can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề nội bộ nước này, đồng thời soạn thảo chương trình hành động mới cho chính phủ.

 Chính phủ mới của Iraq đang đứng trước những thách thức lớn trong công cuộc tái thiết đất nước. Cùng mục tiêu nhanh chóng thực hiện hòa giải dân tộc nhằm xây dựng một khối đoàn kết thống nhất, một quân đội mạnh nhằm đối phó mối đe dọa an ninh thời hậu IS, nhiệm vụ khôi phục ngành khai thác dầu mỏ, huy động khoảng 100 tỷ USD phục vụ tái thiết đất nước, xây dựng cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá... là những “bài toán hóc búa”, thử thách khả năng điều hành của liên minh cầm quyền tới đây ở Iraq.

Suốt 15 năm qua, kể từ sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ chế độ X.Hu-xê-in và dựng lên một chính quyền thân Mỹ, Iraq chưa một ngày im tiếng súng. Khói lửa bom đạn bao trùm quốc gia này trong cuộc nội chiến kéo dài và tiếp đến là cuộc chiến chống IS. Người dân Iraq đã quá thấm thía những mất mát, đau thương của chiến tranh, xung đột, những rắc rối phức tạp khi đất nước bị can thiệp quân sự từ bên ngoài. Bởi thế, khi những lá phiếu bầu lần này dành cho giáo sĩ M.Xa cho thấy, người dân đều mong muốn chính quyền mới hướng tới lợi ích dân tộc và có thể giúp hóa giải mâu thuẫn phe phái vốn âm ỉ lâu nay. 

Theo: nhandan.com.vn