Hội nghị Phật giáo Kim cương thừa quốc tế ở Bhutan
Ngày đăng: 26/04/2019
Hội nghị Phật giáo Kim Cương thừa quốc tế lần thứ ba đã diễn ra từ ngày 18-20/4 tại thủ đô Thimphu của Bhutan dưới sự chủ trì của Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering.

Hội nghị với chủ đề “Pháp hành trong Phật giáo Kim Cương thừa” đã quy tụ hơn 30 diễn giả đến từ Bhutan và các nước. Cùng tham dự còn có đông đảo chức sắc Phật giáo và quan khách từ nhiều nước trên thế giới.

Hội nghị quốc tế năm nay, do Trung tâm Nghiên cứu Bhutan (CBS) và cơ quan phụ trách Phật giáo quốc gia tổ chức, đã trình bày và thảo luận chuyên sâu về truyền thống thực hành Phật giáo Kim Cương thừa và việc tiếp cận mang tính khoa học đương đại đối với việc thực hành trong thế kỷ 21.

Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu về Bhutan & GNH Dasho Karma Ura trong thời gian lễ khai mạc hội nghị

Đặc biệt, hội nghị năm nay đã xác định một số đặc điểm độc đáo của hình thức Phật giáo Kim Cương thừa trong việc tự tu luyện thể chất, tinh thần và tâm linh để kích hoạt các năng lực sẵn có trong tâm trí và cơ thể nhằm đạt được sự chuyển đổi nội tại về nhận thức và cảm nhận hạnh phúc theo hướng vị tha hơn trong. Hội nghị cũng đã tạo cơ hội khám phá những cách thức theo đó các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận có thể được điều chỉnh để mang lại lợi ích tốt hơn cho xã hội hiện đại, và để đáp ứng vô số thách thức đối với một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và đa văn hóa.

Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị

Bhutan được xem là quốc gia Phật giáo theo truyền thống Kim cương thừa duy nhất trên thế giới hiện nay. Kể từ khi được giới thiệu từ Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám, truyền thống tâm linh Phật giáo Kim cương thừa đã thâm nhập vào đời sống văn hóa, chính trị của vùng đất nằm giữa hai quốc gia hùng mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ, sau đó phát triển với một lịch sử không bị gián đoạn.

Mạn đà la, một biểu tượng của Phật giáo Kim cương thừa được thiết lập nhân dịp hội nghị

Xa xôi và không có biển, Bhutan thường xuyên được xếp hạng trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Phật giáo có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc định hướng phát triển đất nước. Cùng với tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) cũng được xem là một tiêu chí đo lường sự phát triển. Được đưa ra từ thập kỷ 1970 và lấy cảm hứng từ văn hóa Phật giáo truyền thống, Tổng Hạnh phúc Quốc gia dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản hoặc trụ cột: quản trị tốt, phát triển kinh tế xã hội bền vững, bảo tồn và phát huy văn hóa, và bảo vệ môi trường.

Theo dữ liệu năm 2010 của Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington, DC, gần 75% dân số Bhutan là Phật tử, còn lại chủ yếu là tín đồ Ấn giáo. Hầu hết những người theo đạo Phật ở Bhutan đều theo trường phái Drukpa Kagyu hoặc Nyingma của Phật giáo Kim Cương thừa.

An Nam (tổng hợp theo Buddhistdoor)