Hiện tượng Kitô hữu xin ra khỏi Giáo hội tại Đức
Ngày đăng: 29/07/2019
Theo VaticanNews và conggiao.info ngày 27/7, ngày 19/7 Hội đồng Giám mục Công giáo Đức công bố số liệu sụt giảm tín đồ Công giáo và Tin Lành ở Đức, năm 2018, tín hữu Kitô làm đơn xin ra khỏi Giáo hội: 216 ngàn tín đồ Công giáo, tăng 29% so với năm 2017 và 220 ngàn tín đồ Tin Lành.

Với sự sụt giảm này, Giáo hội Công giáo Đức còn hơn 23 triệu tín hữu, tức là giảm từ 28,2% trong năm 2017 xuống còn 27,7% dân số trong năm ngoái. Giáo hội Tin Lành còn 21 triệu 140 ngàn tín hữu, tương đương với 25,4% dân số. Tổng số tín hữu Công giáo và Tin Lành ở Đức chiếm 53,2% trên tổng số hơn 83 triệu dân ở Đức.

Theo linh mục Hans Langendoerfer SJ, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Đức, gọi những con số trên đây là “một thống kê gây lo âu”, còn mục sư Bedford-Strohm, thủ lãnh các Giáo hội Tin Lành Đức, nói rằng “mỗi tín hữu rời bỏ Giáo hội đều là điều gây đau buồn”.

Nguyên nhân gây ra sự suy giảm này, do sự rời bỏ Giáo hội, tình trạng dân số Đức già nua và giảm sút, số sinh giảm nên số người chịu phép rửa tội cũng giảm sút.

Điều đáng để ý là trong Giáo hội Công giáo, có những người đang cổ vũ cải tổ Giáo hội với những chủ trương như bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, để tránh nạn lạm quyền đưa tới nạn lạm dụng tính dục trẻ em, hoặc truyền chức linh mục cho phụ nữ, và đặt phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo Giáo hội, cải tiến luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình, chấp nhận đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái, hoặc như Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Giáo phận Munich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, vừa tuyên bố ngày 20/7, đề nghị xét lại việc cấm giáo dân hay những người không có chức thánh không được giảng trong thánh lễ, lý do vì có những linh mục giảng kém, trong khi có những giáo dân có tình độ cao về thần học và giảng hay, tại sao lại không để họ giảng trong thánh lễ.

Theo nghiên cứu do Tổng giáo phận Freiburg thực hiện, thì sự giảm bớt số tín hữu Công giáo và Tin Lành ở Đức sẽ còn tiếp tục và giảm một nửa: từ 45 triệu như hiện nay, xuống còn 22 triệu 700 ngàn vào năm 2060, tức là trong vòng 40 năm tới đây./.

 

Clth