Lễ hội truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long với việc bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 09/11/2023
Lễ hội Nghinh Ông sông Đốc tỉnh Cà Mau
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có kho tàng lễ hội phong phú, thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên vùng đồng bằng châu thổ với hơn 1.230 lễ hội, trong đó, lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 21%, lễ hội lịch sử cách mạng hơn 8%, còn lại là các lễ hội khác.

Bên cạnh những lễ hội cấp quốc gia tiêu biểu như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang), lễ hội Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), lễ hội Nghinh Ông (tỉnh Cà Mau)..., còn có các lễ hội với dấu ấn đặc sắc về văn hóa của các dân tộc sinh sống trong vùng, như: lễ hội Ok Om Bok, lễ Sen Dolta, hội đua bò Bảy Núi của người Khmer; lễ Ramadan, lễ hội Roya của người Chăm; lễ cúng Bà Thiên Hậu của người Hoa. Ngoài ra, còn có một số lễ hội quảng bá đặc sản vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long như: lễ hội Dừa Bến Tre, lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (tổ chức tại thành phố Cần Thơ)...

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231116161006-1.jpeg

Lễ Vía Bà Chúa Xứ tỉnh An Giang

Thực tế cho thấy, du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phát triển khá nhanh, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với các di tích, lễ hội, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm rác thải nói chung và ô nhiễm nhựa nói riêng trên địa bàn.

Hưởng ứng phong trào chống chất thải nhựa được Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc, các cơ quan, tổ chức quản lý khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trước, trong và sau thời gian diễn ra lễ hội, đồng thời, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và Nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho các tuyến đường, ven bờ sông, kênh rạch, khu vui chơi công cộng.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231116161006-2.jpeg

Lễ Sen Donlta tại chùa Xiêm Cán tỉnh Bạc Liêu

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các lễ hội của bà con dân tộc thiểu số, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt, là những lễ hội tập trung đông người. Vào thời điểm trước và trong khuôn khổ lễ hội, chính quyền các cấp phối hợp với các cơ sở tôn giáo tập trung tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và Nhân dân bỏ rác vào thùng đúng quy định, không bỏ rác bừa bãi. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động ý thức về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và Nhân dân tham gia lễ hội trong thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ nét, góp phần làm cho các lễ hội của bà con dân tộc thiểu số, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng an toàn, văn minh, xanh - sạch - đẹp”.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231116161006-3.jpeg

Lễ hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang

Để hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, phong trào “Chống rác thải nhựa” nói riêng ngày càng đạt hiệu quả, ông Lê Văn Sơn cho biết, trong thời gian tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và các tôn giáo tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và Nhân dân nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong các lễ hội; không bỏ rác thải bừa bãi ra sông, kênh rạch, ruộng; đồng thời, tổ chức phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hằng ngày…

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231116161006-4.jpeg

Hội đua ghe Ngo trong lễ Ok Om Bok của người Khmer ở Sóc Trăng

Bên cạnh đó, để có một mùa lễ hội Ok Om Bok năm 2023 diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, vận động sư sãi, tín đồ phật tử trực tiếp tham gia các hoạt động đua ghe Ngo, cúng Trăng, thả đèn,… khách thập phương đến cổ vũ, tham quan dự lễ hội giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Trước đó, vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước thành phố Cần Thơ đã tuyên truyền, vận động sư sãi, tín đồ phật tử chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, bỏ rác thải đúng nơi quy định.

Thụy Lâm