Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội
Ngày đăng: 12/07/2023
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia xây dựng cầu bê tông nông thôn tại xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia xây dựng cầu bê tông nông thôn tại xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang Tính từ năm 2019 đến nay, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cùng đồng bào tín đồ toàn đạo đã đóng góp trên 1.300 tỷ đồng thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, xây dựng nông thôn mới, xây nhà đại đoàn kết, giúp đỡ người nghèo. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác từ thiện của toàn Giáo hội đạt trên 400 tỷ đồng. Sự chung tay của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo các cấp trong hoạt động từ thiện, xây dựng các công trình phúc lợi thể hiện tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, là hoạt động thiết thực đóng góp vào công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương.

Từ giáo lý của đạo, phát huy tích cực tinh thần cần cù, sáng tạo, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo tại các địa phương đã thành lập được các đội xây dựng từ thiện. Họ tự nghĩ ra các phương án xây cầu, làm đường, dựng nhà vừa ít tốn kinh phí, tiến độ nhanh, vừa đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu thiết thực của bà con vùng sông nước miền Tây. Các đội xây dựng từ thiện của Phật giáo Hòa Hảo không chỉ tham gia hoạt động tại địa phương mình sinh sống mà sẵn sàng đi đến các địa bàn xa xôi, hẻo lánh để xây cầu, làm nhà cho bà con. Từ năm 2020 đến nay, các đội xây dựng cầu đường thiện nguyện ở 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã hoàn thành 2.250 cây cầu bê tông, cầu treo nông thôn, đổ bê tông, rải đá 450km đường giao thông nông thôn với nguồn kinh phí vận động, thực hiện đạt 830 tỷ đồng, chưa kể đến hàng nghìn ngày công lao động, đem lại niềm vui cho nhiều xóm ấp.

Vào dịp lễ Quốc khánh năm 2023, bà con ấp Bình Thạnh C, khu vực vùng sâu, vùng xa, được ví như như một ốc đảo thu nhỏ của thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đón niềm vui mới, đó là sự kiện khánh thành cây cầu mang tên Đại Đoàn Kết, thay cho tên cũ là cầu Vịnh Rẫy. Đây là cây cầu hoàn toàn mới, được xây dựng đúng vị trí của cây cầu cũ, vốn là đường bộ duy nhất nối cù lao Bình Thạnh C với thị xã Long Mỹ, cây cầu sắt cũ sau 21 năm được xây dựng đã xuống cấp và bị hư hỏng. Điều này không chỉ gây khó cho bà con đi lại, trẻ em đến trường, mà việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng bị hạn chế khi ô tô không thể di chuyển qua cầu. Để hỗ trợ người dân, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Hậu Giang phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chung tay vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, khởi công xây dựng cầu từ tháng 3/2023, ngoài ra còn kêu gọi sự góp sức của các nhà chuyên môn, tư vấn thiết kế, giám sát tự nguyện. Cây cầu hoàn thành sau 05 tháng thi công, rộng 4,2m, dài 58m, trọng tải 2,5 tấn, kết cấu trụ bê tông, thân bằng thép, tổng kinh phí xây dựng 1,5 tỷ đồng. Xác định hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, thị xã Long Mỹ đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông gắn liền với thực hiện thủy lợi nội đồng, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn và phục vụ sản xuất của người dân. Hiện nay, xe hai bánh có thể di chuyển dễ dàng ở các thôn, ấp nhờ có các cây cầu bê tông kiên cố. Việc đầu tư xây dựng cầu không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của bà con, mà còn thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của các tôn giáo và người dân trong việc chung tay phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh đã vận động xây dựng 14 cây cầu ở vùng nông thôn hẻo lánh, trên 2.000 căn nhà với trị giá hơn 200 tỷ đồng, ngoài ra, duy trì vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các điểm nấu ăn phục vụ người nghèo.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231222144723-1.jpeg

Cầu Đại Đoàn Kết (cầu Vịnh Rẫy mới) nối ốc đảo Bình Thạnh C với bên kia thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Hoạt động từ thiện xã hội là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm được Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đề ra trong những năm qua và được triển khai từ Ban Trị sự Trung ương đến cấp cơ sở. Toàn đạo ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xã hội, hăng hái tham gia công tác an sinh, giảm nghèo bền vững, chung tay cùng các tôn giáo bạn xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong khi nguồn lực của các địa phương có giới hạn thì các hoạt động xã hội, nhân đạo do Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tại các tỉnh thành triển khai đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo, hỗ trợ người dân nghèo vượt qua khó khăn, tiếp thêm động lực vươn lên thoát nghèo, cùng nhau xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc. Ngoài xây cầu, làm đường, Phật giáo Hòa Hảo còn chăm lo xây dựng những công trình nhà đại đoàn kết. Đây cũng là hoạt động hiệu quả của Phật giáo Hòa Hảo, đem lại niềm vui lớn cho nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, như tại An Giang, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh đã vận động xây mới 79 căn nhà đại đoàn kết, 385 nhà tình thương cho bà con tín đồ và Nhân dân trong vùng.

Gần đây nhất, ngày 29/9/2023, tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Long Điền B tổ chức bàn giao 10 căn nhà đại đoàn kết cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo. Mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng, trong đó, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã hỗ trợ một bộ khung nhà trị giá 40 triệu đồng, mạnh thường quân hỗ trợ một bộ tole trị giá 10 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đối ứng để xây dựng. Tại huyện Tân Châu, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trao 20 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở hai xã biên giới Phú Lộc và Vĩnh Xương, lần lượt vào tháng 5/2023 và tháng 8/2023. Những căn nhà mới là món quà đầy ý nghĩa, thể hiện sự đồng hành của các cấp chính quyền, các cá nhân và tập thể dành cho những hộ gia đình gặp khó khăn về chỗ ở.

Xã Lê Chi là một trong 05 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tri Tôn, An Giang, trên 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Chung sức cùng chính quyền trong công tác giảm nghèo, 06 tháng đầu năm 2023, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo cơ sở đã vận động, hỗ trợ công tác an sinh trên địa bàn trên 1,2 tỷ đồng, qua đó xây mới 16 nhà đại đoàn kết, tặng nhiều phần quà cho bà con dân tộc. Mỗi căn nhà đều do tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tự nguyện tham gia đóng góp ngày công lao động. Những cây cầu, căn nhà đại đoàn kết được hoàn thành là kết quả của việc phát huy vai trò của tôn giáo, tập hợp các nguồn lực trong khối đại đoàn kết toàn dân để các địa phương nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững.

https://phatgiaohoahao.org.vn/uploads/image/Kim%20Tuyen/PGHH%20dong%20gop%20an%20sinh%20xa%20hoi.jpg

Ngoài ra, tạo sinh kế và nhân rộng những cách làm đổi mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố thiết thực góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Việc hỗ trợ người dân trong cộng đồng tôn giáo và cộng đồng xã hội những nguồn vốn quý báu để mỗi người có thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các dịch vụ thương mại theo điều kiện của mình đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tiếp sức vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất, bằng đôi tay của chính mình. Ở nhiều vùng, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia đóng góp, phát triển kinh tế hợp tác xã và các mô hình nông nghiệp tiên tiến theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước gắn với nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của các địa phương ngày càng được cải thiện, nâng cao. Giá trị sản xuất/ha đất không ngừng tăng. Điển hình như hợp tác xã nông nghiệp Nông Thuận Phát ở ấp An Thuận (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với hoạt động hiệu quả đã và đang tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong xã. Với 16 thành viên ban đầu, tiền thân của hợp tác xã là tổ hợp tác do các thành viên tự nguyện và hợp tác tương trợ lẫn nhau. Hiện nay, hợp tác xã đang hoạt động trong các mảng chế biến và bảo quản rau quả, sản phẩm từ thịt, thủy sản, điều hành tour du lịch, cung ứng vật tư nông nghiệp… Hợp tác xã nông nghiệp Nông Thuận Phát được ghi nhận đang tạo sức mạnh về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra cho các thành viên là người nông dân, đồng thời là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, trong việc phát triển nông sản sạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập bình quân đầu người của địa phương, con số này ở xã Hòa Bình hiện đã đạt 63,135 triệu đồng/năm. Những mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp, cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới được phát huy, nhân rộng, đã giúp cho nhiều xã miền Tây đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20231222144723-2.jpeg

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, với sự tham gia nhiệt tình của bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, phong trào phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2022, toàn huyện có 03 quỹ tín dụng nhân dân và 40 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó, có 24 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trong nông dân. Như hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp) với sản phẩm OCOP chế biến từ sữa dê kết hợp du lịch tại khu vực chăn nuôi của thành viên hợp tác xã, nhờ hiệu quả từ việc liên kết sản xuất gắn với du lịch, hợp tác xã Đông Nghi thu hút được nhiều hộ dân ở địa phương tham gia; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bàn Long (xã Bàn Long) tiêu thụ các loại trái cây; hợp tác xã nông sản Tân Lý Tây (xã Tân Lý Tây) tiêu thụ các loại rau, củ, quả cung ứng cho các siêu thị… 

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến hiệu quả mô hình “2 an” (an ninh trật tự - an sinh xã hội) trong cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo, mang lại nhiều phúc lợi cho người dân và bà con tín đồ. Thông qua mô hình, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các cấp đã phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động nổi bật: trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, mô hình đã triển khai công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định địa phương, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt là các hành vi, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... giúp nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm về bảo vệ an ninh, trật tự của bà con tín đồ, tạo môi trường ổn định, lành mạnh cho đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất; trên lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các phong trào, hoạt động như xây cầu, làm đường, hỗ trợ nhà ở, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, dịch vụ y tế miễn phí, phòng chẩn trị Đông y, hiến máu nhân đạo, khuyến học - khuyến tài… góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội ở các địa bàn đã diễn ra phong phú, thiết thực, được bà con tín đồ và người dân ủng hộ.

Hoạt động an sinh, nhân đạo, từ thiện xã hội của Phật giáo Hòa Hảo đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, không ngừng giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Những đóng góp của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã khơi dậy và nhân rộng những truyền thống tốt đẹp với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, đúng với tôn chỉ hành đạo của Phật giáo Hòa Hảo và Hiến chương của Giáo hội “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, góp phần cùng Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho Nhân dân.

Ngọc Linh