Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 22/12/2022Qua triển khai mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, đồng bào Công giáo Thủ đô đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo gắn với giáo lý, giáo luật để bảo vệ môi trường.
Thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố - Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức Tôn giáo Thành phố Hà Nội về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã triển khai kế hoạch số 17/KH-UBĐK-BTT ngày 23/03/2018 về xây dựng mô hình “xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp triển khai xây dựng các mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đối với các thôn là Công giáo toàn tòng; mô hình “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại các giáo họ giáo dân sống đan xen cùng lương dân, kết quả đến nay toàn Thành phố đã có 24/29 Ban Đoàn kết Công giáo phối hợp triển khai xây dựng được 53 mô hình trên.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện các mô hình trên, đến nay đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của giáo dân và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung tiêu chí do các xứ, họ đạo, khu dân cư xây dựng phù hợp với đặc điểm tình hình và thực trạng môi trường của khu dân cư. Có những nội dung tiêu chí đạt được và đã trở thành nề nếp, công việc hàng ngày trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe ở cộng đồng.
Tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện mô hình (2018-2020), Hội đồng thi đua khen thưởng Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 10 xứ, họ đạo có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện xây dựng mô hình các mô hình trên. Nhiều Ban Đoàn kết Công giáo đã dự kiến tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bên cạnh bảo vệ môi trường, đồng bào Công giáo tại Hà Nội tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, gắn với thực hiện phong trào thi đua xây dựng“ Xứ, họ đạo tiên tiến”, phong trào “Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội phát động. Đây là các phong trào sâu rộng, toàn dân, toàn diện nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước trong đồng bào Công giáo Thủ đô phù hợp với nếp sống đạo của người Công giáo, thể hiện được mối quan hệ đoàn kết lương giáo, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.
Kết quả trong 5 năm qua các cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống với 100% các xứ, họ đạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cùng người dân tại các khu dân cư tham gia xây dựng quy ước, hương ước, đăng ký xây dựng “Làng Văn hóa”, “Tổ dân phố Văn hóa” và “Gia đình Văn hóa” gắn với đăng ký phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”. Hội đồng Mục vụ giáo xứ, Ban hành giáo các giáo họ thường xuyên phối hợp, vận động giáo dân tích cực tham gia hội nghị, bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng Gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng. Qua thống kê chưa đầy đủ có 259 thôn làng, tổ dân phố có đồng bào Công giáo đạt danh hiệu “Khu dân cư Văn hóa”, “Tổ dân phố Văn hóa”, qua bình xét hàng năm số gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa” đạt trên 92%.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội còn phối hợp tuyên truyền vận động đồng bào Công giáo Thủ đô tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” gắn với tuyên truyền sâu rộng các nội dung tiêu chí của phong trào thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến”. Nhiều gia đình Công giáo ở các xứ, họ hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường giao thông nông thôn nội đồng, quy hoạch nghĩa trang… Điển hình như giáo dân huyện Thanh Oai đã hiến 154m2 đất, ủng hộ 611 triệu đồng, 330 ngày công lao động; giáo dân huyện Thạch Thất đã hiến 420 m2 đất, đóng góp 13.640 ngày công lao động với tổng số tiền là 27 tỷ 446 triệu đồng; giáo dân huyện Đan Phượng hiến 520m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng đường làng ngõ xóm, trồng cây bóng mát, xây dựng đường hoa với số tiền 2 tỷ 143 triệu đồng; giáo xứ Hà Hồi (huyện Thường Tín) đã hiến 240m2 đất vườn thánh để mở rộng đường giao thông nông thôn;…
Theomttqvn.vn