Phát huy vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết đồng bào Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày đăng: 04/01/2023Thực hiện tốt đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam “đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người”, Ủy ban ĐKCG tỉnh Thanh Hóa ngày càng được khẳng định vị thế, xứng đáng là cầu nối, là hạt nhân trong khối đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, lời huấn từ của Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, nhiệm kỳ 2015-2022, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tăng cường mối quan hệ với Tòa Giám mục, các giáo phận, giáo xứ, giữa các linh mục, chức sắc, chức việc; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Công giáo để kịp thời phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của Ủy ban ĐKCG tỉnh trong đời sống của người Công giáo nói riêng và đời sống xã hội nói chung.
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã vận động đồng bào Công giáo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. 8 nội dung “5 tốt đời, 3 đẹp đạo” của phong trào đã được triển khai sâu rộng trên các địa bàn dân cư, hướng đồng bào Công giáo tới những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng bộ mặt các xứ đạo ngày càng khởi sắc. Nhiều giáo dân đã tự nguyện di dời, hiến đất để nâng cấp, mở rộng đường giao thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp cho các xóm đạo. Bà con giáo dân trong tỉnh đã đóng góp trên 50 tỷ đồng, hiến trên 230 ha đất, gần 157 nghìn ngày công, sửa chữa và làm mới nhiều nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng. Sự nỗ lực của đồng bào Công giáo đã góp phần đưa số địa phương đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) toàn tỉnh lên 12 huyện, 346 xã và 902 thôn, bản.
Cùng với việc chung sức XDNTM, đồng bào Công giáo cũng đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Nhiều giáo dân còn chú trọng phát huy ngành, nghề truyền thống, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng giáo xứ, họ đạo giàu đẹp.
Bên cạnh việc làm tròn bổn phận của tín hữu, mỗi giáo dân còn thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Bởi vậy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được giáo dân tích cực hưởng ứng. Bà con giáo dân luôn thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa, đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.
Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, động viên các giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân hưởng ứng tích cực với nhiều mô hình hay như: “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, “Giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, phong trào treo cờ Tổ quốc trong đồng bào có đạo... Nhiều xứ, họ đạo, khu dân cư thường xuyên quan tâm xây dựng phong trào xứ, họ đạo trở thành khu dân cư an toàn, làm chủ, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội. Nhiều tổ hòa giải, tổ tự quản đã phát huy tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư.
Với tinh thần “Từ thiện, bác ái, sống đạo tình thương”, công tác từ thiện của đồng bào Công giáo luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua, trở thành hoạt động rộng khắp ở các giáo xứ, họ đạo. Đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, như: ủng hộ xây dựng quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào bị thiên tai; tham gia đóng góp quỹ đền ơn, đáp nghĩa, ủng hộ trẻ em khuyết tật, mồ côi... Đặc biệt, trong 3 năm qua, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng đoàn người Công giáo đã cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh chung tay ủng hộ tiền, trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch với số tiền hơn 236 tỷ đồng.
Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm với Ban ĐKCG huyện Nga Sơn
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm hộ đồng bào Công giáo sinh sống trên sông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do phải lênh đênh sông nước. Thực hiện Thông báo kết luận số 129 ngày 18-4-2022 của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc “Thông báo kết luận của ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh”, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương liên quan đã thực hiện công tác cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bà con. Ủy ban ĐKCG tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động bà con lên bờ, xây nhà ở ổn định cuộc sống. Đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 69 nhà đại đoàn kết cho bà con giáo dân, trị giá hơn 5,5 tỷ đồng.
Năm 2021, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng với cử tri cả tỉnh, đồng bào Công giáo đều hồ hởi, phấn khởi đi bầu cử để chọn ra những người thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình làm ĐBQH và HĐND các cấp. Đồng bào công giáo trên toàn tỉnh đã có 272 vị trúng cử vào đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào các ngày lễ, tết của dân tộc, các ngày trọng đại như: Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống dân vận, MTTQ tổ chức nhiều hoạt động như gặp mặt, thăm hỏi, động viên, chúc mừng chức sắc, bà con giáo dân. Bên cạnh đó, các cơ sở thờ tự của Công giáo được tạo điều kiện tu sửa, xây dựng ngày càng khang trang hơn. Sinh hoạt tôn giáo luôn được các cấp chính quyền, mặt trận quan tâm giúp đỡ, nhằm củng cố thêm niềm tin của đồng bào Công giáo với Đảng, Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tuyên truyền, vận động cộng đoàn người Công giáo phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ công dân; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo cho các vị linh mục, nữ tu, chánh trương, ủy viên Ủy ban ĐKCG tỉnh, ủy viên ban ĐKCG cấp huyện.
Nhằm củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của mình, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã thành lập thêm 2 ban ĐKCG cấp huyện, đưa số ban ĐKCG cấp huyện lên 7 ban. Các ban ĐKCG đã thực sự là cầu nối giữa đạo và đời, thực hiện tốt vai trò vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những chuyển biến tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của ủy ban ĐKCG trong tất cả các mối quan hệ, đem lại nhiều kết quả thiết thực, động viên được mọi thành phần Dân Chúa hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh và đoàn thể các cấp phát động. Thực hiện tốt đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam “đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người”, Ủy ban ĐKCG tỉnh ngày càng được khẳng định vị thế, xứng đáng là cầu nối, là hạt nhân trong khối đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh.
Theo thanhhoa.vn